Top

Thị trường bất động sản: Cần minh bạch hóa hơn nữa về chính sách

Cập nhật 19/08/2011 14:40


Giá bất động sản tăng cao trong thời gian dài - Ảnh minh họa
Sáng nay (18/8), Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và Đại sứ quán Ireland đã tổ chức Hội thảo “Tác động của thị trường bất động sản lên thị trường tài chính Việt Nam, những khuyến nghị chính sách”.

Tại hội thảo, TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đưa ra nhận xét về một số đặc trưng của thị trường bất động sản Việt Nam như nhu cầu lớn trong khi cung lại hạn chế; đô thị hóa nhanh, người dân nhập cư từ nông thôn rất lớn; quy hoạch còn nhiều bất cập… Cơ hội tiếp cận thị trường bất động sản đối với người nghèo còn hạn chế.

Bên cạnh đó, điều đáng quan tâm là biên độ dao động giá bất động sản rất lớn, các biến động lại phụ thuộc vào quy hoạch, hạ tầng và nhiều khi do cả tin đồn. Việc đầu cơ, lũng đoạn, lừa đảo gây lãng phí, dẫn đến rủi ro lớn mà người gánh chịu chủ yếu là ngân hàng, nhà đầu tư và người tiêu dùng.

Vẫn theo ông Nghĩa, suốt một thập kỷ qua thị trường bất động sản nước ta đã có những diễn biến phức tạp và đầy thăng trầm.

Tiền vốn vẫn là bài toán trung tâm của thị trường bất động sản. Khó khăn về vốn là nguyên nhân dẫn đến thị trường bất động sản luôn trong tình trạng bất ổn.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam mới hình thành khoảng hơn 10 năm nay, hoạt động và tính chuyên nghiệp của các chủ thể tham gia thị trường bất động sản chưa được cao, kể cả đối với cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Nam bày tỏ sự lo lắng trước thực trạng, nguồn vốn hạn chế so với nhu cầu vốn lớn và dài hạn của thị trường bất động sản đang là khó khăn rất lớn đối với thị trường bất động sản hiện nay.

Trong khi đó có một thực tế là nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư rất lớn, lên đến hàng chục tỷ USD nhưng lại chưa có cơ chế, chính sách để thu hút nguồn vốn này trong khi thị trường bất động sản trong khoảng 10 năm tới còn rất nhiều tiềm năng.

Trước những lo ngại của nhiều người về bong bóng BĐS, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam một lần nữa tiếp tục khẳng định không có chuyện vỡ khi mà dư nợ tín dụng vẫn ở ngưỡng an toàn. Chỉ thấy “thấp thoáng” tăng lên dư nợ xấu trong bất động sản ở các ngân hàng nhỏ cho vay bất động sản lên đến 30-40%.

Do đó, trong thời gian trước mắt cần có kênh tín dụng hợp lý đối với thị trường này, bởi đây là “đầu ra” cho nhiều ngành sản xuất kinh doanh khác như xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng, công ăn việc làm. Đối với tầm nhìn trung và dài hạn, cần rà soát, ban hành thêm các cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực này như sửa đổi các đạo luật, nghị định, thông tư… có liên quan.


Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Việc sửa đổi chính sách cần chú trọng vào cơ cấu hàng hóa bất động sản - Ảnh Chinhphu.vn
Việc sửa đổi chính sách cần chú trọng vào cơ cấu hàng hóa bất động sản, phân khúc nhà, đặc biệt là nhà có giá trung bình thấp để đáp ứng khoảng 80% người dân có nhu cầu thực sự. Bên cạnh đó là đẩy mạnh phát triển nhà chung cư cao tầng và phát triển nhà ở cho thuê khi người dân không có khả năng mua nhà.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Nguyễn Văn Minh đề xuất một số cơ chế, chính sách đối với thị trường bất động sản như xây dựng chiến lược tổng thế phát triển thị trường bất động sản Việt Nam để hoạch định hướng đi cho lĩnh vực này trong tương lai.

Bên cạnh đó, theo ông Minh, cần thiết lập tổ chức tài chính bất động sản như xây dựng quỹ nhà ở quốc gia, Quỹ bất động sản, quỹ bảo lãnh tín dụng tài chính… với cơ chế, chính sách hoạt động linh hoạt, hiệu quả đối với hoạt động này.

Từ những khó khăn của thị trường bất động sản tác động lên thị trường tài chính Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, cần phải khơi thông nguồn cung với việc công khai quy hoạch đô thị và hạ tầng, cải tiến thủ tục cấp phép, minh bạch hóa hơn nữa chính sách thuế, phí, đấu thầu dự án.

Về hỗ trợ, các chuyên gia khuyến nghị, cần ổn định kinh tế vĩ mô để giảm lãi suất, ổn định tỷ giá, áp dụng các biện pháp giám sát tín dụng bất động sản có lựa chọn, tránh cào bằng đối với tất cả các ngân hàng và giám sát rủi ro.

Bên cạnh đó, nới lỏng các hạn chế về huy động góp vốn của nhà đầu tư, khuyến khích hình thức góp vốn hoàn thiện dự án sạch, có chính sách về nhà tốt hơn nữa cho người thu nhập thấp.

Song song là việc tổng kết, bổ sung các Nghị định 69/NĐ-CP, Nghị định 71/NĐ-CP và các văn bản có liên quan đến tăng cung bất động sản, sửa đổi và chỉnh sửa các quy định về thủ tục đối với bất động sản.

DiaOcOnline.vn - Theo Website Chính Phủ