Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản tại thành phố ven biển Miền Trung này sẽ tiếp tục bứt phá và thu hút được giới đầu tư trong những năm tới.
Tuy nhiên, khảo sát của người viết cũng như báo cáo của một số công ty nghiên cứu thị trường mới đây lại cho thấy, thị trường bất động sản Đà Nẵng đang có dấu hiệu tuột dốc, trong đó động thái bán tháo của nhà đầu tư đến từ Hà Nội cũng không phải là hiếm.
Cũng chính vì thế, một hội thảo nhằm giới thiệu tiềm năng của thị trường bất động sản Đà Nẵng đã được chính quyền, doanh nghiệp bất động sản thành phố phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 18/8 tại Hà Nội cũng không nằm ngoài mục đích “níu chân” nhà đầu tư quay trở lại nơi này.
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam thì cho rằng, Đà Nẵng là điểm sáng trong thị trường bất động sản cả nước. Ảnh: internet
|
"Vẫn đầy hứa hẹn"
Theo ông Phùng Tấn Viết, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, địa phương này hiện đang trở thành thành phố động lực cho miền Trung, tốc độ tăng trưởng GDP 11%, năm 2010 trên 12,6%.
Riêng đối với nhà đầu tư bất động sản, lãnh đạo Đà Nẵng khẳng định, tất cả các dự án đầu tư tại đây sẽ được nhà đầu tư và chính quyền cùng đồng hành chia sẻ, cam kết đầu tư đúng thời gian đề ra, giao sản phẩm cho thị trường, khách hàng đúng tiến độ.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam thì cho rằng, Đà Nẵng là điểm sáng trong thị trường bất động sản cả nước. Do chính quyền Đà Nẵng chủ trương chưa phát triển đông dân số nên ai đến Đà Nẵng cũng dễ chịu. Về quy hoạch, Đà Nẵng không phát triển lộn xộn, lại có các khu kinh tế cảng biển, có bãi biển đẹp hàng đầu thế giới nên rất phù hợp với phát triển bất động sản du lịch.
Đà Nẵng trong tương lai gần không chỉ là trung tâm du lịch của cả nước mà còn cả khu vực thế giới với các khu được đầu tư hiện đai như: Furama, Hayatt, Vinpearl, khu liên hoàn bất động sản du lịch
“Hy vọng đợt sóng đầu tư mới vào bất động sản Đà Nẵng không chỉ có bất động sản du lịch mà còn nhà ở thương mại, các dự án địa ốc khác”, ông Nam nói.
Còn theo ông Đàm Quang Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Đà Nẵng, trong những năm qua, cùng với những thành công trong công tác quy hoạch, Đà Nẵng đang nổi lên là thành phố có cơ sở hạ tầng, giao thông đô thị tốt nhất trên cả nước.
Chính điều này đã hình thành nên những vùng đất mới, những khu dân cư mới, những đô thị hiện đại, tạo ra một nguồn cung bất động sản dồi dào và phong phú, khiến cho thị trường Đà Nẵng có một diện mạo mới với sức hấp dẫn cao, tăng trưởng ổn định và bền vững. Biểu hiện cụ thể nhất là năm 2010, Đà Nẵng đã được đánh giá là một trong những thị trường bất động sản sôi động nhất cả nước.
“Với cơ sở hạ tầng phát triển toàn diện, sân bay trong nước và quốc tế tiện lợi, lại sắp có tàu điện ngầm, cao tốc, đường vành đai... nên chắc chắn thị trường bất động sản Đà Nẵng sẽ thu hút đông đảo giới đầu tư bất động sản quay trở lại nơi này”, ông Lâm quang Minh, Giám đốc trung tâm xúc tiến đầu tư Đà Nẵng nhận định.
Nhà đầu tư nói gì?
Trái với nhìn nhận của các chuyện gia, báo cáo mới nhất về thị trường bất động sản Đà Nẵng trong quý 2/2011 của Công ty CBRE Việt Nam cho thấy, thị trường bất động sản tại thành phố biển miền Trung này đang có dấu hiệu chững lại và đi xuống tại nhiều phân khúc.
Đối với thị trường căn hộ, nguồn cung mới của thị trường cũng chỉ đến từ hai dự án (Hyatt và The Charm) với vẻn vẹn 69 căn hộ. Tuy nhiên, dù chỉ thêm chưa đầy 70 căn trong quý 2, song thị trường căn hộ đang có một nguồn cung khá dồi dào, lên tới 2.402 căn trong quý 2/2011.
Do nguồn cung khá dồi dào, trong khi thanh khoản trên thị trường giảm nhiệt, cho nên giá căn hộ hạng sang trên thị trường đã giảm khoảng 3,4%, từ 2.994 USD/m2 trong quý 1, xuống còn 2.893 USD/m2 trong quý 2/2011.
Tỷ lệ bán trung bình của phân khúc hạng sang giảm so với quý trước, chủ yếu là do việc tăng nguồn cung. Trong quý 2, tỷ lệ bán trung bình của phân khúc hạng sang là 73%, giảm 11% so với quý 1.
Còn theo khảo sát của người viết, giới đầu tư bất động sản Hà Nội sau một thời gian “ăn đủ” với địa ốc Đà Nẵng giờ đây cũng đang có dấu hiệu xả hàng, rút lui với nghĩa là chốt lời.
Chị Minh Huệ, một nhà đầu tư bất động sản từ Hà Nội cho biết, trong nhóm lướt sóng địa ốc Đà Nẵng của chị có đến 2/3 là đã “đẩy” hết hàng cho người dân địa phương và số ít là từ Huế hay Quảng Nam vào. Chỉ số ít giờ đây còn ôm hàng là do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân do thị trường sụt giảm, họ không muốn cắt lỗ vào lúc này.
Cũng theo chị Huệ, với bất động sản Đà Nẵng, nếu nhà đầu tư nào “vào” từ khoảng 2 năm trước thì 100% là thắng lớn vì khi đó giá đất tại đây vẫn rẻ như “bèo”.
Nhưng từ 1 năm trở lại đây, giá nhà đất tại đây đã bắt đầu được đẩy lên cao, tất nhiên là có cả nhu cầu thực tế của người dân, nên nếu có muốn đầu tư thì vốn dắt lưng cũng không hề nhỏ.
Hơn nữa, nếu như trước đây một lô đất tại Đà Nẵng có thể lãi từ 500 – 1 tỷ đồng, thì nay kiếm được 1 - 2 trăm triệu cũng là quá khó. Thế nên, hầu hết các nhà đầu tư đến từ miền Bắc, Nam đều đang lần lượt “rũ áo ra đi” với thị trường bất động sản Đà Nẵng. Tất nhiên, theo giới đầu tư, việc họ rút lui không có nghĩa là thị trường bất động sản Đà Nẵng về lâu dài không còn tiềm năng và cơ hội kiếm lời nữa.
Anh Vũ Hữu Phấn, một nhà đầu tư “bản địa” cho hay, việc nhà đầu tư Hà Nội rút lui khỏi thị trường bất động sản trong thời gian qua là có thật. Tuy nhiên, đó chỉ đơn giản là động thái lướt sóng, chốt lời và việc rời bỏ thị trường gần như chỉ là một xu hướng trong ngắn hạn giống như bất kỳ một khu vực nào trên cả nước.
“Nếu nói rằng, bất động sản Đà Nẵng hiện nay đã hết hấp dẫn giới đầu tư thì cũng là thái quá bởi lẽ tiềm năng của Đà Nẵng là rất lớn. Nhưng với những nhà đầu tư lướt sóng, nếu không có một chiến lược hợp lý và một ít may mắn thì cũng khó mà kiếm được tiền tỷ từ đất cát ở thành phố biển miền Trung trong tương lai gần”, một nhà đầu tư nhìn nhận.
DiaOcOnline.vn - Theo NDH Money