Top

Khai thông thị trường bất động sản

Cập nhật 19/08/2011 09:10

Thông điệp đầu tiên để khơi thông thị trường bất động sản là Chính phủ đã dùng từ “giảm tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng bất động sản”, thay vì “giảm dư nợ tín dụng bất động sản”

Ngày 18-8, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia đã tổ chức hội thảo quốc tế đánh giá tác động của thị trường bất động sản (BĐS) lên thị trường tài chính Việt Nam. Từ đó, đưa ra những khuyến nghị để có những thay đổi cần thiết về chính sách trong thời gian tới. Thông điệp được đại diện các cơ quan quản lý đưa ra tại hội thảo cho thấy Chính phủ bắt đầu có những động thái nới tín dụng BĐS để khơi thông thị trường tài sản lớn nhất này.

Xác định chưa trúng nguyên nhân

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng thông điệp đầu tiên để khơi thông thị trường là trong xây dựng chính sách cho 6 tháng cuối năm, Chính phủ đã dùng từ “giảm tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng BĐS”, thay vì “giảm dư nợ tín dụng BĐS” và đồng ý đưa BĐS ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất, tuy vẫn thuộc lĩnh vực được kiểm soát tín dụng.

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại, hiện là thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ quốc gia, cũng nhận định Chính phủ đã phát tín hiệu nới lỏng tín dụng BĐS vì nhận thấy việc cấm cho vay thời gian qua đã tác động xấu đến thị trường tài sản lớn này, từ đó tác động xấu đến tài chính và kinh tế.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, nguyên nhân giá đất tăng không phải ở đầu cơ mà do sự thiếu minh bạch của cơ chế. Nếu do đầu cơ, hết sốt, giá đất phải dừng lại nhưng giá đất ở Việt Nam có biên độ tăng lớn nhất thế giới liên tục trong 10 năm thì chỉ có thể do cơ chế. Do đó, giải pháp tập trung vào chống đầu cơ như hiện nay là chưa trúng mà phải công khai hóa chính sách đang nằm trong tay chính quyền địa phương, ví dụ như công bố quy hoạch...

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Trần Nam nhận xét thiếu minh bạch là vấn đề lớn của thị trường BĐS. “Tôi làm thứ trưởng nhưng hỏi quy hoạch Hà Nội chỗ này, chỗ kia cũng không biết. Quy hoạch Hà Nội vừa ban hành nhưng đất đã bán hết rồi” - ông Nam nói. Vị thứ trưởng này cũng thừa nhận thực tế chính sách điều hành thị trường hiện còn theo cảm tính, không có đủ cơ sở dữ liệu để “khám bệnh” và kết luận BĐS ốm hay khỏe, sốt hay không sốt.

Chưa mất kiểm soát

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thị trường BĐS Việt Nam nhìn chung vẫn trong tầm kiểm soát nhưng đã xuất hiện nguy cơ bất ổn, cần cảnh giác. Theo TS Lê Xuân Nghĩa, dư nợ tín dụng BĐS tính đến hết tháng 6-2011 là 245.000 tỉ đồng, chiếm 10% tổng dư nợ tín dụng của cả nền kinh tế, cao hơn mức trung bình 6%-7% của Đông Nam Á. Nợ xấu BĐS chiếm khoảng 3% nhưng hiện tượng rất đáng lo ngại là một số ngân hàng thương mại nhỏ, công ty thuê mua tài chính chiếm 30%-40% tổng dư nợ. Đây có thể là nguy cơ dẫn tới rủi ro toàn hệ thống. Trong đó, rủi ro lớn nhất là các khoản cho vay nội bộ, cổ đông lớn của ngân hàng thương mại là chủ dự án BĐS, đầu tư bằng vốn của chính ngân hàng đó hoặc ngân hàng bạn. “Trong hai phiên họp thường kỳ Chính phủ gần đây nhất, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều cảnh báo rủi ro lớn từ hiện tượng này và yêu cầu phải chấn chỉnh” - TS Lê Xuân Nghĩa thông báo.

Ông Nghĩa cho biết thêm mức dư nợ 10% chỉ là con số thống kê, trong thực tế có thể cao hơn vì nhiều khoản vay tiêu dùng cũng đổ vào BĐS. “Tình hình chưa đến mức mất kiểm soát nhưng rất đáng lo ngại với các ngân hàng nhỏ, nhất là các khoản vay dưới các hình thức trái phiếu công trình. Đây là lỗ hổng về quản lý rủi ro hệ thống mà Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia rất quan tâm” - TS Lê Xuân Nghĩa cho biết.

Định mức tín dụng BĐS cả năm là 20% tổng dư nợ nhưng 6 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực này mới được 6%-7%. Nới tín dụng BĐS được hiểu là tạo cơ chế cần thiết để “tiêu” hết 13% phần còn lại.

Ông Trương Đình Tuyển cho biết đã có những tín hiệu tích cực để khơi thông thị trường BĐS nhưng cách giải quyết cụ thể ra sao còn phải chờ thông báo thêm. Ngày 20-8, Chính phủ sẽ làm việc với 20 chuyên gia tài chính kinh tế hàng đầu để cho ý kiến đóng góp về các giải pháp cho nền kinh tế, thị trường tài chính nói chung, trong đó có BĐS.

DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động