Huy động của khách hàng hàng trăm tỷ đồng dưới hình thức góp vốn, song nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản đã sử dụng khoản tiền lớn đó vào mục đích khác, thay vì đầu tư vào dự án để bàn giao nhà cho khách hàng theo hợp đồng đã ký.
Khách hàng phản đối chủ đầu tư dự án 83 Ngọc Hồi thu tiền nhưng không triển khai dự án. |
Câu chuyện tưởng không mới trên lại đang có xu hướng tái diễn trên thị trường bất động sản vốn đang có nhiều tín hiệu tích cực hiện nay. Khi bê bối của hàng loạt dự án như B5 Cầu Diễn, 409 Lĩnh Nam hay AZ Vân Canh… vẫn chưa khiến giới đầu tư quên được quả đắng, thì mới đây, một số khác đã tiếp tục phải lên tiếng sau nhiều năm trời “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Mới đây, hàng trăm khách hàng mua căn hộ tại dự án Sky Garden (Định Công, Hà Nội) đã té ngửa khi chủ đầu tư bỗng dưng biến mất trong lúc dự án đang thực hiện dở dang, còn tiền của khách hàng thì đã “tiêu vào đâu không rõ”.
Là dự án tổ hợp thương mại, văn phòng, căn hộ, Sky Garden do Công ty TNHH Định Công làm chủ đầu tư, được khởi động từ cuối 2011. Tuy nhiên, đến giữa năm 2013, dự án ngừng thi công, trong khi khách hàng không thể tiếp cận được chủ đầu tư để tìm hiểu lý do dự án tạm dừng.
Phải đến tháng 3/2014, sau quá nhiều lần trì hoãn, nhân viên công ty mới cho khách hàng biết rằng Giám đốc Hồ Anh Thái đã “mất tích” từ tháng 10/2013.
Hàng trăm khách hàng tại dự án này đã vô cùng phẫn nộ bởi hầu hết trong số họ đều đóng từ 40% giá trị căn hộ cho chủ đầu tư, tương đương với khoảng 800 triệu - 1 tỷ đồng. Còn tính tổng thể, đến thời điểm bỏ trốn, chủ đầu tư đã huy động được khoảng trên 400 tỷ đồng từ khách hàng.
Lâm vào tình cảnh tương tự như các khách hàng Sky Garden, ngày 17/5 vừa qua, hàng trăm khách hàng mua căn hộ tại dự án chung cư 83 Ngọc Hồi, Hoàng Mai cũng đã kéo đến trụ sở Công ty Bất động sản Ngọc Lan và Công ty Cơ khí Hưng Sơn - chủ đầu tư dự án để đòi tiền, đòi nhà sau hơn 4 năm theo đuổi dự án này.
Thế nhưng, dù chủ đầu tư dự án này không bỏ trốn như dự án Sky Garden hay một số dự án khác trước đó, song Giám đốc Công ty Hưng Sơn, ông Nguyễn Đình Lượng đã không dưới dăm ba lần thất hứa với khách hàng về tiến độ dự án và thời điểm bàn giao nhà, dù là bằng những văn bản có dấu đỏ.
Theo đó, vào cuối 2009, đầu 2010, Công ty Cơ khí Hưng Sơn và Công ty Bất động sản Ngọc Lan bắt đầu tiến hành rao bán căn hộ tại dự án nói trên dưới hình thức hợp đồng góp vốn. Tuy nhiên, sau khi huy động được một khoản tiền ước tính trên 100 tỷ đồng từ khách hàng, Công ty Hưng Sơn đã “đem con bỏ chợ” khi dự án chỉ xây được đến tầng 9 rồi đắp chiếu suốt gần 4 năm qua.
Trước sự phản ứng gay gắt của khách hàng, chủ đầu tư mới thừa nhận, dù xây đến tầng 9 nhưng dự án vẫn chưa có giấy phép xây dựng cũng như chưa có bất kỳ phê duyệt nào về thiết kế, số tầng.
Đáng chú ý, trong khi quy hoạch phân khu này được thành phố chủ trương các tòa chỉ cao tối đa 15 tầng, thì chủ đầu tư đã tự ý rao bán cả những căn hộ tận tầng 27.
Trong cuộc đối thoại với khách hàng ngày 17/5, ông Lượng cho hay, hiện quy hoạch khu vực này, trong đó có dự án 83 Ngọc Hồi đang phải chờ ý kiến góp ý của Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, sau đó nếu được phép xây bao nhiêu tầng, Sở Quy hoạch kiến trúc mới có ý kiến chính thức, rồi mới đến khâu cấp phép xây dựng.
Theo tìm hiểu của VnEconomy, sở dĩ khách hàng tại hầu hết các dự án “có vấn đề” đều không dám tố cáo chủ đầu tư ra cơ quan chức năng, là bởi họ e ngại tình cảnh “mất cả chì lẫn chài”, tức là một khi chủ đầu tư đã bị bắt giam thì khoản tiền mà họ đóng vào dự án cũng khó mà đòi được, trong khi nhà thì cũng không được bàn giao.
Tuy nhiên, tại cuộc gặp ngày 17/5, hàng trăm khách hàng của dự án 83 Ngọc Hồi đã tỏ ra hết kiên nhẫn vì chủ đầu tư đã thất hứa quá nhiều.
“Chúng tôi cho thêm thời hạn một tháng nữa, nếu mọi việc không có chuyển biến, toàn thể khách hàng sẽ khởi kiện lên cơ quan tòa án về sự lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của Công ty Hưng Sơn”, một khách hàng nói.
Theo Ts. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng, sở dĩ trên thị trường hiện nay bắt đầu xuất hiện một số vụ việc vỡ lở khi chủ đầu tư ôm hàng trăm tỷ đồng của khách hàng nhưng không hoàn thành dự án, cũng có một phần lỗi của chính người mua nhà.
Theo ông Liêm, trước đây, vào thời điểm thị trường đang sốt nóng, chỉ cần đăng ký được một suất mua nhà tại các dự án là khách hàng gần như “nhắm mắt đưa tiền” cho chủ đầu tư, bất kể dự án đó đã có giấy phép xây dựng hay hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý.
“Tôi tin tới đây sẽ có thêm không ít dự án đắp chiếu, chủ đầu tư thu tiền nhưng không xây dựng sẽ bị khách hàng tố cáo, khiếu kiện ra cơ quan chức năng, vì 3 - 4 năm trước, phong trào làm dự án dễ quá, cứ chạy được một khu đất là có ngay hàng trăm tỷ của khách hàng, thỏa sức muốn làm gì thì làm”, ông Liêm nói.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy