Top

TP.HCM: chấn chỉnh việc bán suất tái định cư

Cập nhật 07/07/2009 13:35

Chung cư TĐC Khu công nghệ cao quận 9, TP.HCM - Ảnh: H.TR.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài vừa chỉ đạo các cơ quan chức năng và UBND các quận, huyện rà soát, kiểm tra việc mua bán suất tái định cư (TĐC).

Sở Xây dựng và Sở Tư pháp được UBNDTP giao tham mưu xây dựng trình tự, thủ tục và điều kiện giao dịch, chuyển nhượng suất TĐC, xác nhận quyền và nghĩa vụ của người mua công khai để hạn chế tiêu cực do đầu cơ trục lợi, đồng thời giảm các vụ tranh tụng, thưa kiện khi nhà nước tăng trị giá đền bù, giải tỏa.

Trên địa bàn TP hiện có nhiều trường hợp nhà - đất TĐC chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất (gọi chung là giấy chứng nhận - GCN) nhưng vẫn được người dân chuyển nhượng. Việc chuyển nhượng này được thực hiện bằng các hình thức: ủy quyền có công chứng để bên được ủy quyền đóng tiền, ký tên, nhận giấy tờ hoặc mua bán bằng giấy tay…

Sở Xây dựng vừa hoàn thành dự thảo chỉ thị về chấn chỉnh, xử lý việc sang nhượng, mua bán suất TĐC, căn hộ, nền đất TĐC trên địa bàn TP. Theo đó, đề xuất TP cấm mọi trường hợp mua bán, sang nhượng, mua bán suất TĐC, căn hộ, nền đất TĐC chưa được cấp GCN.

Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho người được TĐC, trong dự thảo, Sở Xây dựng cũng đề nghị chỉ tập trung xử lý cho 2 nhóm đối tượng, là: trường hợp hộ TĐC đề nghị điều chỉnh hợp đồng mua bán và người nhận chuyển nhượng xin điều chỉnh hợp đồng do không liên lạc được với bên bán. Nhưng các trường hợp này chỉ được giải quyết trước khi chỉ thị này được ban hành (các đối tượng đã lỡ mua bán suất TĐC trước đây - PV).

Cụ thể, trường hợp hộ TĐC đề nghị điều chỉnh hợp đồng mua bán thì phải thanh toán đủ số tiền mua nhà, nền đất TĐC theo hợp đồng đã ký với cơ quan quản lý nhà và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác như phí chuyển quyền sử dụng đất, phí trước bạ…

Trong trường hợp người nhận chuyển nhượng xin điều chỉnh hợp đồng do không thể liên lạc được với hộ TĐC, nếu đáp ứng các điều kiện: đã sử dụng căn hộ, nhà đất được chuyển nhượng ổn định, không có tranh chấp, thời gian tạm trú tại căn hộ từ 2 năm trở lên thì được giải quyết mua căn hộ, nền đất theo giá thị trường (tại thời điểm mua) và phải thanh toán hết một lần. Số tiền thu được sẽ chuyển cho Quỹ Phát triển nhà ở TP giữ và hoàn trả cho hộ TĐC trong trường hợp có yêu cầu về nơi ở hoặc nhận lại tiền đã đóng để mua nhà TĐC.

Nếu hộ TĐC không đồng ý điều chỉnh hợp đồng mua bán mà yêu cầu trả lại nhà thì được trả lại tiền đã đóng khi mua nhà, có tính lãi theo lãi suất ngân hàng hoặc xem xét cho mua căn hộ, nền đất TĐC theo giá thị trường. Còn nếu hộ này muốn nhận lại tiền đã đóng để mua căn hộ thì cũng được hoàn trả tiền kèm lãi suất ngân hàng theo quy định.

Dự thảo cũng quy định, ngoài việc thanh toán đủ số tiền mua nhà ở, hộ TĐC, người nhận chuyển nhượng phải đóng thêm 20% giá trị căn hộ, nền đất tính theo giá bán TĐC. Mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc yêu cầu người sang nhượng đóng thêm 20% là không phù hợp với quy định, nhưng quan điểm của Sở Xây dựng là không thể xem suất TĐC là quyền về tài sản để cho phép người dân giao dịch. Bán suất TĐC là hình thức hứa bán trước căn hộ khi chưa hình thành, khi đó nhà ở TĐC vẫn còn thuộc sở hữu nhà nước.

Biện pháp này nhằm giải quyết các tồn tại trước đó và để tránh thất thu ngân sách. Cũng theo Sở Xây dựng, giá bán nhà đất TĐC luôn thấp hơn giá thị trường vì được tính trên cơ sở bảo tồn vốn, không quá 80% giá thị trường nên cần phải thu thêm 20%.

 

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng