Khu vực Bình Quới - Thanh Đa đã quy hoạch thành khu dân cư mới nhưng nhiều năm vẫn chưa được thực hiện. Ảnh: Đức Trí. |
Theo kế hoạch của HĐND TPHCM, trong kỳ họp HĐND TP này, Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ không tham gia trả lời chất vấn trực tiếp của các đại biểu HĐND TP. Tuy nhiên, “quy hoạch treo” vẫn là vấn đề bức xúc và nhận nhiều câu hỏi của các đại biểu gửi đến, yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc trả lời bằng văn bản.
Đại biểu Nguyễn Văn Bạch, đơn vị quận Tân Bình nêu ra tới 4 dự án đã “treo” từ nhiều năm nay để chất vấn Sở Quy hoạch - Kiến trúc như: dự án xây dựng biệt thự diện tích 12ha ở khu phố 6 phường Hiệp Phú quận 9, đã được khởi công xây dựng từ năm 2001 và dự kiến hoàn thành vào năm 2003 nhưng hiện vẫn còn dang dở; dự án khu công viên cây xanh ở quận Gò Vấp đã được thông qua 11 năm; dự án xây dựng khu dân cư làng đại học, công viên đa năng với diện tích lên tới 980ha ở xã Bình Hưng huyện Bình Chánh, được phê duyệt từ năm 1992 và dự án khu văn hóa sinh thái hồ Vĩnh Lộc huyện Bình Chánh quy mô 423ha được phê duyệt cách nay 14 năm, tất cả đều chưa thấy triển khai.
Theo ông Nguyễn Văn Bạch, dự án “treo” hay quy hoạch “treo” đều đang ảnh hưởng xấu đến cuộc sống người dân và sự phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương có dự án hoặc quy hoạch “treo”.
Đại biểu Đặng Văn Khoa, quận Bình Thạnh cho biết, sẽ chất vấn về dự án xây dựng khu dân cư, khu đô thị mới có thời gian “treo” kỷ lục của thành phố - Bình Quới-Thanh Đa. Hiện chính quyền địa phương đã cho phép người dân ở đây thực hiện một số quyền cơ bản đối với đất đai, nhà cửa của mình như sửa chữa, xây tạm… Tuy nhiên, do dự án chưa được triển khai nên cuộc sống người dân đang gặp rất nhiều khó khăn…
Ông Trần Chí Dũng, quyền Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết sở đang tập hợp tư liệu để trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND TPHCM, song sắp tới sở cũng sẽ cùng với các quận-huyện rà soát lại toàn bộ quy hoạch chưa được triển khai trên địa bàn thành phố.
Mục tiêu cơ bản trong đợt rà soát này là để điều chỉnh lại quy hoạch theo hướng gần hơn với thực tế, đặc biệt là đối với những khu vực được quy hoạch làm công trình công cộng. Ví dụ, với những khu vực được quy hoạch làm cây xanh mà đã có dân ở nhiều, thì có thể xem xét “điều chuyển” quy hoạch cây xanh ấy sang khu vực khác ít dân cư sinh sống hơn. Tuy nhiên, sự điều chỉnh này vẫn phải đảm bảo được mật độ cây xanh tối thiểu theo quy định của Bộ Xây dựng.
Những tuyến đường giao thông đã được quy hoạch mở rộng, cũng sẽ được xem xét điều chỉnh theo hướng ít ảnh hưởng đến cuộc sống người dân nhất. Việc mở hẻm cũng sẽ được làm theo nguyên tắc tương tự nhưng có tham khảo thêm ý kiến của người dân tại địa phương.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các địa phương cũng sẽ xem xét điều chỉnh lại quy hoạch sử dụng đất xây dựng ở các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm phải di dời ra ngoại thành. Trước đây, thành phố có chủ trương dùng các vị trí ấy để phát triển cây xanh hoặc các công trình công cộng khác. Tuy nhiên, do phần lớn các cơ sở di dời đều có nhu cầu chuyển đổi công năng để tạo vốn di dời, nên đợt rà soát sắp tới Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng sẽ tham khảo thêm ý kiến của các doanh nghiệp để quy hoạch được khả thi hơn.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng