Top

Thủ tướng yêu cầu kiểm soát "sốt" đất Hà Nội

Cập nhật 05/06/2010 10:10

Theo Nghị quyết sau phiên họp Chính phủ tháng 5 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký, trong thời gian tới cần kiểm tra, giám sát tình hình tăng giá đất, nhà ở, nhất là khu vực Hà Nội, xử nghiêm những người đầu cơ.

Phiên họp Chính phủ diễn ra trong hai ngày 31/5 và 1/6. Tại đây, Thường trực Chính phủ đã thảo luận nhiều vấn đề kinh tế - xã hội của tháng 5, đánh giá tác động sau 3 năm Việt Nam gia nhập WTO.


Trong cơn sốt giá, nhiều người dân Quốc Oai đã tranh thủ bán đất.

Đánh giá cao một số tín hiệu tích cực của nền kinh tế, nhưng Thường trực Chính phủ cũng lưu ý một số khó khăn cần tháo gỡ. Chẳng hạn, thị trường bất động sản có những biểu hiện bất thường, tình trạng thiếu điện, nạn cháy rừng...

Chính phủ yêu cầu giám sát chặt chẽ tình hình tăng giá đất và nhà ở, nhất là tại khu vực Hà Nội và một số thành phố lớn, có giải pháp kiểm soát tình trạng tăng giá đất và nhà ở bất hợp lý trong thời gian qua. Mặt khác, cần kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, vi phạm các quy định về quản lý giá, các trường hợp thao túng, tung tin để đẩy giá đất và nhà ở lên cao.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra hôm 1/6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, thị trường bất động sản Hà Nội đang có những dấu hiệu không tốt và cần chấn chỉnh. Chính phủ cũng yêu cầu ngành ngân hàng giám sát tín dụng bất động sản, đảm bảo sự hợp lý, tránh gây hiện tượng "bong bóng".

Như báo cáo mà Bộ Xây dựng vừa gửi tới các đại biểu Quốc hội đầu tuần qua, diễn biến trên thị trường bất động sản Hà Nội đang rất sôi động.

Từ đầu năm đến nay, giá đất tăng liên tục tại hầu hết các dự án phát triển khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở. Tăng mạnh nhất ở phía tây, các dự án khu vực quận Hà Đông có giá chuyển nhượng trong tháng 5 tăng trung bình 40% so với tháng 12/2009.

Nguyên nhân khiến giá đất bị đẩy lên cao chủ yếu do tình trạng "làm giá", tung tin đồn, giao dịch ảo, nhất là khu vực Thạch Thất, Ba Vì. Mặt khác, theo Bộ Xây dựng, triển lãm lấy ý kiến về quy hoạch Thủ đô cùng các công trình giao thống lớn đang dần hình thành cũng góp phần làm thị trường bất động sản sôi động.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan xây dựng Chiến lược vay nợ và trả nợ quốc gia giai đoạn 2010 - 2020 và tầm nhìn giai đoạn 2030 - 2050.

Chiến lược này dựa trên cơ sở tính toán tổng thể nhu cầu nguồn lực phục vụ các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước phù hợp với bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế trong giai đoạn mới, trình Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng 9 tới.


DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet