Trong tờ trình Chính phủ mới đây, Bộ Xây dựng cho rằng bổ sung quy định “cho phép các chủ đầu tư được huy động vốn hoặc trực tiếp bán 20% số lượng nhà ở trong mỗi dự án không qua sàn giao dịch BĐS” là để tạo điều kiện để các doanh nghiệp huy động vốn, hợp tác kinh doanh với các đối tác và hỗ trợ nhà ở cho cán bộ, công nhân viên... 80% quỹ nhà còn lại trong dự án vẫn phải thực hiện theo quy định chung.
Tuy nhiên, với đề xuất này, Bộ Xây dựng đã không nhận được sự đồng thuận từ nhiều phía. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị xem lại quy định cho phép chủ đầu tư được phân phối 20% sản phẩm nhà ở không qua sàn giao dịch BĐS, vì không có cơ sở. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, đề xuất trên là không phù hợp với pháp luật kinh doanh BĐS...
Theo TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, thị trường BĐS Việt Nam vẫn bị đánh giá là thiếu minh bạch, hay bị những cơn sốt “ảo”, nạn đầu cơ nhà đất tấn công, gây khó khăn cho nhiều người có nhu cầu mua nhà để ở. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Xây dựng đã ra quy định, từ ngày 1/1/2007, các giao dịch BĐS của doanh nghiệp đều phải qua sàn giao dịch để làm lành mạnh hoá thị trường. Tuy nhiên, việc đề nghị bổ sung thêm quy định 20% dự án giao dịch không qua sàn để huy động vốn là đi ngược lại với quy định cũ, thị trường sẽ càng thiếu minh bạch hơn.
Một số chuyên gia bất động sản cũng cho rằng việc xác định chính xác 20% tổng quỹ nhà cũng rất khó. Nếu chỉ dựa vào “đạo đức kinh doanh” thì đồng ý với quy định đề xuất này sẽ tạo cơ hội cho nhà đầu tư trục lợi. Làm sao có thể bảo đảm quỹ nhà này chỉ giao dịch nội bộ mà không bị tuồn ra thị trường... Tất cả những lo ngại đó đều có cơ sở, vì từ năm 2007 đến nay đã có quy định giao dịch 100% phải qua sàn nhưng thực tế không phải như vậy. Một số bất động sản được lên sàn nhưng khách hàng đến hỏi thường nhận được câu trả lời đã... “hết hàng”. Để có được thửa đất hay căn hộ phù hợp với nhu cầu, người cần nhà rất khó tiếp cận được giá gốc.
DiaOcOnline.vn - Theo Gia Đình