Top

Thị trường bất động sản TP.HCM “án binh bất động”

Cập nhật 04/06/2010 14:10


Thị trường BĐS ở TP.HCM hiện nay chủ yếu là dành cho người có nhu cầu nhà ở. Ảnh: Đức Thanh
Trong khi thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội từ năm 2009 đến nay liên tiếp lên nhiều cơn sốt đất, thì ở TP.HCM lại khá im ắng. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư tham gia vào thị trường trước đây còn đang “mắc cạn”. Giao dịch trầm lắng

Theo ghi nhận của phóng viên, thời gian gần đây, tình hình giao dịch BĐS ở các sàn giao dịch trên địa bàn TP.HCM khá trầm lắng, thậm chí có sàn cả tháng trời không thực hiện được một giao dịch nào.

Ông Nguyễn Minh Sương, Giám đốc Công ty BĐS Đại Nam (quận 2, TP.HCM) cho biết, sau khi có thông tin dìm đốt hầm Thủ Thiêm, thị trường BĐS quận 2 có được một vài tuần hơi sôi động, nhưng từ đó đến nay hầu như bị đóng băng về giao dịch. “Đến thời điểm này vẫn chưa có thông tin tích cực nào kích thích thị trường BĐS. Ngược lại, thị trường đang đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi, việc tiếp cận vốn vay ngân hàng của khách hàng có nhiều khó khăn”, ông Sương cho biết và nhận định, khi nào còn chưa có thông tin tích cực hỗ trợ và việc tiếp cận ngân hàng vẫn khó khăn thì thị trường BĐS ở TP.HCM vẫn chưa thể sôi động.

Tương tự, tại Quận 7 - khu vực trước đây được xem là sôi động nhất của TP.HCM - hiện nay cũng rất trầm lắng. Nhiều dự án BĐS có quy mô lớn tung hàng ra bán trong giai đoạn này đều gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như Dự án K. ở Khu nam Sài Gòm có vị trí khá thuận lợi, sát bên Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, được chủ đầu tư xây dựng rất công phu với tổng vốn đầu tư lên đến 5.000 tỷ đồng cho các giai đoạn. Trước Tết Nguyên đán, chủ đầu tư rất tự tin với nhận định, khi tung sản phẩm ra sẽ được khách hàng nồng nhiệt đón nhận, vì Dự án có vị trí và chất lượng tốt, giá cả hợp lý. Tuy nhiên, sau gần nửa năm tung sản phẩm ra bán, đến nay mới có chưa đến 50 căn trong số hàng trăm căn hộ ký được hợp đồng với khách. Hiện chủ đầu tư này đang “đau đầu” vì phải xoay sở nguồn vốn để tiếp tục đầu tư cho Dự án.

“Chưa lúc nào thị trường khó khăn như hiện nay. Rất nhiều dự án gửi sản phẩm cho chúng tôi bán, trong đó có nhiều dự án được đầu tư khá tốt, giá khá hợp lý, nhưng vẫn không bán được hàng. Thi thoảng mới có được một vài khách hàng có nhu cầu về nhà ở đến hỏi mua, còn không có người nào mua với mục đích để đầu tư ”, ông Huỳnh Văn Lập, Giám đốc sàn giao dịch BĐS Hưng Thịnh tỏ ra ngán ngẩm khi nói về thị trường.

Những nút thắt cần được tháo gỡ

Theo nhận định của các chuyên gia BĐS, TP.HCM là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển về BĐS nhất, nhưng đang bị vướng phải những nút thắt của thị trường.

Ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty BĐS Vinaland cho rằng, rào cản lớn nhất của thị trường BĐS ở TP.HCM hiện nay là thuế thu nhập từ kinh doanh BĐS và vốn. “Từ trước khi có quy định nhà đầu tư phải nộp thuế thu nhập từ kinh doanh BĐS, thị trường BĐS dù không được sôi động, nhưng vẫn có giao dịch. Nhưng từ sau khi có quy định này, thị trường đã chựng lại rõ. Trong bối cảnh đầu tư BĐS khó khăn như hiện nay, việc phải nộp thuế thu nhập là lo ngại của không ít nhà đầu tư ”, ông Hoàng nhận định, đồng thời cho rằng, ngoài thuế, vấn đề đặc biệt quan trọng ảnh hưởng đến thị trường là nguồn vốn. Phần lớn nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực BĐS đều liên quan đến vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, hiện tại lãi suất vay ngân hàng khá cao, việc tiếp cận nguồn vốn vay này cũng không dễ dàng. “Thị trường BĐS ở TP.HCM hiện nay chủ yếu là dành cho người có nhu cầu nhà ở là chính, còn với nhà đầu tư dường như họ vẫn đứng ngoài cuộc. Nếu một thị trường không có sự hiện diện của các nhà đầu tư mua đi bán lại thì sẽ rất khó sôi động”, ông Hoàng nói.

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, mức độ tăng giảm của thị trường BĐS trong hơn một năm qua luôn có tính cục bộ và thời điểm, không phải là xu hướng tổng thể và dài hạn. Tại Hà Nội, bên cạnh những dự án sốt giá vẫn có những dự án ngưng trệ. Thời điểm có vốn nhiều thì thị trường ấm lên, nhưng chỉ cần luồng vốn bị ngăn lại thì thị trường lập tức nguội đi. Đó là những biểu hiện của tính thiếu ổn định, cục bộ và nhất thời. Rõ ràng, hơi thở, sức sống của thị trường BĐS hiện nay phụ thuộc hoàn toàn vào những động thái của nguồn vốn khả thi cho thị trường.

Hiện một số đơn vị đã khơi nguồn vốn từ tiền tiết kiệm, tiền nhàn rỗi của dân theo kiểu “mua bán nhà trên giấy” hay biến thể “vay vốn của người tiêu dùng và cam kết trả lại bằng nhà ở”. Tuy nhiên, để nguồn vốn này trở nên ổn định thì phải có hành lang pháp lý hạn chế các rủi ro của hai phương thức nêu trên.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư