Top

Thị trường nhà đất Hà Nội, Hà Tây lại ... "ngủ đông"

Cập nhật 09/04/2008 08:00

Đó là nhận định của giới đầu tư khi đánh giá về tình hình giao dịch nhà đất thời gian gần đây tại thị trường Hà Nội, Hà Tây

Ngay cả những khu vực vốn được coi là sôi động về mua bán nhà đất trước đây như Đống Đa, Cầu Giấy, Từ Liêm, Tây Hồ, Hà Tây... mọi giao dịch cũng đang trong tình trạng gần như ngưng trệ.

Hiếm giao dịch thành công

Thông tin từ các trung tâm giao dịch địa ốc lớn trên địa bàn Hà Nội cho thấy, thị trường nhà đất chưa có dấu hiệu ấm lên trong những tháng vừa qua.

Nguyên nhân do đầu năm, người dân chưa tập trung cho việc mua bán những tài sản có giá trị lớn. Bên cạnh đó, tâm lý người dân vẫn còn nghe ngóng những diễn biến của thị trường BĐS với hy vọng năm 2008, luật pháp về đất đai sẽ được sửa đổi theo hướng công khai, minh bạch hơn, hạn chế đầu cơ và tình trạng sốt giá.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Công ty BĐS và xây dựng VietSan, lượng nhà đất rao bán trong thời gian gần đây nhiều nhưng giao dịch thành công lại rất hiếm hoi. Các khách hàng phần lớn chỉ tham gia giao dịch với tính chất thăm dò thị trường chứ không mấy mặn mà với việc bỏ tiền ra mua nhà đất. Đặc biệt, những giao dịch thành công thì trị giá phần lớn chỉ từ 800 triệu đồng trở xuống.

Trong khi đó, theo khảo sát của Công ty Vietsan, giá đất hiện nay vẫn được người dân rao bán ở mức rất cao. Chẳng hạn, đất mặt đường Trần Duy Hưng được rao bán với giá 80 - 85 triệu đồng/m2, ngay cả các mảnh đất trong ngõ cũng đã có giá 50-70 triệu đồng/m2...

Còn theo khảo sát của chúng tôi, đất của các quận, huyện ngoại thành như Thanh Trì được người dân "ra giá" từ 12-14 triệu đồng/m2. Đất tại khu vực Yên Sở, quận Hoàng Mai hiện cũng được rao bán với giá 14 triệu đồng/m2 (mặt đường) và 7-8 triệu đồng/m2 (trong ngõ).

Ngay khu Trung Hoà - Nhân Chính, trước Tết được chào bán với giá trung bình 30 triệu đồng/m2 thì nay giảm xuống còn 23, 24 triệu đồng mà khách hàng cũng đến "ngắm" là chính.

Bản thân một số người bán vì thấy giá xuống nên cũng rao thăm dò chứ chưa thực lòng muốn bán vì tiếc.

Chị Thanh, đang rao bán một căn hộ chung cư tại Mỹ Đình cho biết, sau Tết, các chủ đầu tư bắt đầu rao bán nhà chung cư sắp hoàn thiện rất nhiều với mức giá, trung bình dao động từ 17,5 - 19,5 triệu/m2, nhưng giao dịch thành công cũng rất ít. "Có những căn rao đi rao lại cả tháng, từ mức giá 19 triệu xuống còn 18 triệu, rồi 17,5 triệu mà vẫn chưa thấy ai mua".

Do tâm lý đầu tư "bầy đàn"?

Không chỉ thị trường đất Hà Nội ảm đạm, Hà Tây - nơi được coi là diễn ra cảnh mua bán sôi động nhất từ nửa năm trở lại đây cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Ông Nguyễn Ngọc Hoàng, Văn phòng nhà đất Ngọc Hoàng, Hà Đông (Hà Tây) cho biết, khoảng một tháng nay, mọi giao dịch đều ngừng trệ. Điều này đi ngược lại với dự đoán của nhiều người vì thời gian Hà Tây sáp nhập về Hà Nội không còn bao xa. Lạ nữa là trong thời điểm giá nhà đất khu vực này cao ngất ngưởng thì dân tình đổ xô đi mua bằng được, khi sụt giảm lại chả mấy ai dám mua.



Thị trường đất đai Hà Tây được rao bán rất nhiều nhưng
lượng giao dịch thành công rất ít.


Ông Hoàng cho rằng, nhiều nhà đầu tư đang chú ý quy hoạch Hà Nội mở rộng nên việc đầu tư trong thời gian sắp tới sẽ mang tính dài hơi, nhắm vào những khu vực mới nhiều tiềm năng. Theo quy hoạch, hướng phát triển lâu dài của Hà Nội chủ yếu về phía tây, hình thành chuỗi đô thị Miếu Môn - Xuân Mai - Hòa Lạc - Sơn Tây.

Tuy giao dịch địa ốc đang thời kỳ ngưng trệ do tâm lý đầu tư "bầy đàn", song một số chuyên gia BĐS vẫn khẳng định, Hà Tây vẫn là lựa chọn số 1 đối với các nhà đầu tư muốn đón đầu khu vực mở. Các dự án khu đô thị mới điển hình tại Hà Tây (khu vực được định hướng sẽ thành đất của Hà Nội) như Văn Quán-Yên Phúc, Văn Phú, Văn Khê đang là những khu vực hút vốn. Và chỉ cần qua thời điểm "ngủ đông" này, giá nhà đất sẽ “nóng” trở lại.

Ông Nguyễn Chí Sỹ, Giám đốc Công ty đầu tư xây dựng nhà số 2 Hà Nội thì cho rằng, để nhận định chính xác thì rất khó, nhưng theo cá nhân ông thị trường BĐS Việt Nam không theo một quy luật kinh tế thuần tuý mà nó bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố, đặc biệt là yếu tố về cơ chế chính sách, yếu tố tâm lý của thị trường, tâm lý của dân cư. Chính vì đầu tư, mua bán theo tâm lý "bầy đàn" nên cung đoạn thăng trầm của thị trường xảy ra là chuyện tất yếu.

"Nếu có một cơ chế chính sách về nhà đất ổn định, hợp lý, người ta sẽ tin cậy hơn vào thị trường BĐS. Còn như hiện nay sẽ rất khó đoán định và thị trường nhà đất vẫn cứ bất ổn. Tuy nhiên, nếu thị trường giá cả cứ đà tăng này thì giá BĐS cũng buộc phải tăng theo" - ông Sỹ dự báo.

Theo VTC News