Top

Nhà ven kênh, rạch – chuyện cũ mà mới!

Cập nhật 08/04/2008 11:00

Phần 2: Chính sách đền bù, “cần” nhưng chưa “đủ”

Hầu hết diện tích các nhà sàn quá nhỏ, khi giải tỏa các hộ dân vẫn không thể đủ tiền để “đổi” được căn nhà khác nếu không có những chính sách hỗ trợ kèm theo. Trước tình hình đó, người dân còn tâm lý dùng dằng nửa ở nửa đi. Còn chính quyền thì “đau đầu” với bài toán “phụ” thêm để giúp người dân có thể an tâm tái định cư (TĐC).

Dân không chịu “đổi nhà”

Quận 4 còn 676 trường hợp nhà nằm trên hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch, tập trung nhiều nhất ở phường 1 và rải rác ở các phường dọc theo kênh Tẻ, kênh Bến Nghé và rạch Cầu Dừa.

Tất cả những căn nhà trên đều nằm trong diện giải tỏa của các dự án đang và sẽ triển khai ở quận 4 như dự án cải thiện môi trường nước (phường 1, 3), dự án nâng cấp đô thị hẻm (phường 15, 16, 18), dự án Công viên Hồ Khánh Hội (phường 2, 3, 5), dự án Công viên cù lao Nguyễn Kiệu (phường 1, 3, 4).

Thế nhưng, quận 4 chưa có một dự án nào di dời toàn bộ nhà sàn ven kênh rạch, mà khi dự án khởi công trên địa bàn nào thì nhà sàn ở nơi đó mới được di dời. Ngoài ra, mỗi dự án lại có mỗi cách tính đền bù riêng.

Với dự án Công viên cù lao Nguyễn Kiệu, người dân đang được triển khai việc kê khai hiện trạng nhà, đất để tiến hành đền bù, giải tỏa. Riêng trên cù lao có 518 hộ trong đó có 100 hộ sống trên nhà sàn nhưng chưa hộ nào chịu ký vào biên bản để nhận tiền đền bù di dời. Lý do mà người dân đưa ra là mức hỗ trợ đối với các trường hợp nhà sàn không đủ để họ có thể tạo lập nơi ở mới.

Theo ông Nguyễn Thiện Hoàng Lên, Trưởng ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng quận 4, mức đền bù hỗ trợ như quyết định của UBND TPHCM là cần nhưng chưa đủ để giải quyết vấn đề nhà sàn ven kênh.

Theo ông Lên, khi áp dụng vào thực tế thì nảy sinh một số khó khăn là đa phần các hộ nhà sàn đều đông nhân khẩu, không có nghề nghiệp ổn định, thu nhập thấp, vì thế, ngay cả khi TĐC cho họ bằng cách mua nhà trả góp cũng khó thực hiện khi thu nhập của họ rất bấp bênh, bữa được bữa mất.

Thực tế, khi đền bù cho “nhà sàn” theo giá trị kiến trúc là 80%, giá trị đất là 30% (đối với nhà tồn tại trước 15-10-1993) và khống chế hạn mức đền bù từ 40m2 trở xuống, nhà sàn nào có diện tích trên 40m2 thì phần thừa ra không được đền bù.

Vì thế, trường hợp được đền bù cao nhất cũng chỉ từ 150- 180 triệu đồng, so với giá chung cư hiện tại thì họ không thể nào mua nổi nhà để TĐC, dù có bán với giá đặc biệt thấp là 6 triệu đồng/m² (căn nhỏ nhất là 40m²). Đó là chưa kể những trường hợp nhà tồn tại từ 15-10-1993 đến 22-4-2002, chỉ được đền bù 40% giá trị kiến trúc và 20% giá trị đất, nhà mới có sau ngày 22-4-2002 thì không được hỗ trợ nhà, đất.

Tương tự, ở quận 8 còn tới 10.615 căn nằm trên các kênh Đôi, kênh Tàu Hủ-Lò Gốm mà hầu hết là những ngôi nhà cấp 3, cấp 4 kết cấu tạm bợ, chắp vá hình thành từ những năm trước và sau năm 1975. Một thực tế là các ngôi nhà sàn ven kênh đều có diện tích sử dụng nhỏ (có nhà chỉ hơn 10m2); được xây dựng tạm bợ từ vài cây cừ tràm, ít gỗ, tôn nên khi giải tỏa, tiền đền bù không thể đủ cho người dân mua nhà mới TĐC.

Chị Giang Hoa (55 tuổi, ngụ số nhà 821C Nguyễn Duy phường 12 quận 8) ưu tư: “Được ở nhà mới khang trang rộng rãi thì ai cũng muốn nhưng nhà chúng tôi có diện tích quá nhỏ, cả gia đình chỉ buôn bán hàng rong lặt vặt nên không có tiền để bù thêm vào “đổi” nhà mới. Vả lại, hàng ngày chúng tôi đi bán hàng rong quen rồi, bây giờ TĐC chỗ khác không biết sinh sống bằng gì …”. Theo UBND quận 8, việc bố trí TĐC gặp nhiều khó khăn vì những lý do như vậy.

Quận: Thiếu quỹ nhà TĐC, lúng túng huy động vốn

Trên địa bàn quận Bình Thạnh còn hơn 6.000 căn nhà sàn ven các kênh rạch như rạch Xuyên Tâm, rạch Văn Thánh, rạch Bùi Hữu Nghĩa, kênh Thanh Đa... Ngày 3-4, ông Dương Hoàng Thắng, Phó phòng Đô thị (UBND quận Bình Thạnh) cho biết, UBND quận đang xây dựng kế hoạch di dời nhà lụp xụp trên kênh và ven kênh rạch trên địa bàn quận từ nay đến năm 2015 và dự kiến đến 30-5-2008 mới xong.

Trên cơ sở thống kê rà soát cụ thể số lượng nhà ven kênh rạch, quận sẽ xác định quỹ nhà tái định cư, xác định chỉ tiêu quy hoạch rồi lập danh sách kêu gọi đầu tư. Hiện tại, quận gặp khó khăn vì nguồn quỹ nhà TĐC quá ít, không đủ để TĐC cho 6.000 hộ đang sống trên nhà sàn. Về phương hướng, quận sẽ không ỷ lại vào nguồn vốn từ ngân sách mà sẽ kêu gọi đầu tư. Còn cụ thể kêu gọi đầu tư như thế nào thì phải sau ngày 30-5 mới trả lời chính xác được.

Với số lượng nhà sàn khổng lồ, UBND quận 8 cũng đang rơi vào cảnh “khát” quỹ nhà TĐC. Hiện UBND quận đã chỉ đạo rà soát, thống kê danh sách, kiểm tra hiện trạng việc sử dụng các kho tàng, bến bãi trên địa bàn quận.

Dự kiến, 30 kho bãi với tổng diện tích 240.434m² sẽ được chuyển công năng để xây dựng chung cư phục vụ TĐC và chỉnh trang đô thị. Quận cũng kiến nghị TP thu hồi với những dự án do doanh nghiệp nhà nước làm chủ đầu tư (nhất là các dự án phát triển nhà ở) đang chậm triển khai hoặc không đủ khả năng tiếp tục thực hiện để giao cho quận chủ động đầu tư xây dựng các khu nhà TĐC, nhà ở xã hội.

Ngoài ra, quận kiến nghị UBND TP cho điều chỉnh quy hoạch xây dựng dọc bờ Nam kênh Đôi, bờ Tây rạch Xóm Củi để cho phép xây dựng các cụm chung cư cao tầng thay vì chỉ đầu tư vào công viên cây xanh ở các khu đất có khoảng cách lớn từ mép bờ cao của kênh rạch đến đường Phạm Thế Hiển để kêu gọi đầu tư.

Theo ông Nguyễn Hồ Hải, Phó chủ tịch UBND quận 8, khó khăn lớn nhất của quận bây giờ là nguồn vốn để bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất trong giai đoạn đầu để phục vụ các giai đoạn tiếp theo.

Theo tính toán, trong giai đoạn từ nay đến năm 2010, dự kiến giải tỏa di dời 2.211 căn nhà trên kênh rạch (rạch Ụ Cây, kênh Đôi dọc bờ phía Bắc), số tiền cần để bồi thường, giải phóng mặt bằng là hơn 97 tỷ đồng, số tiền để tạo dựng quỹ nhà TĐC là gần 4.853 tỷ đồng; trong 2 năm tiếp theo, dự kiến giải tỏa di dời 2.073 căn nhà nửa trên bờ, nửa trên kênh rạch còn lại thì cần số tiền đền bù gần 1.120 tỷ đồng và cần tối thiểu 1.244 tỷ đồng để mua nhà TĐC.

Hiện UBND quận 8 đang kiến nghị UBND TP cấp vốn hoặc cho quận vay từ nguồn quỹ phát triển nhà, quỹ kích cầu để bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo quỹ nhà dành cho TĐC các hộ ven sông, kênh rạch. Ngoài ra, quận kêu gọi các đơn vị đầu tư các dự án phát triển nhà ở thương mại, chỉnh trang đô thị kết hợp kinh doanh nhằm đảm bảo được quỹ nhà TĐC…

> Phần 1: “Nhà sàn” giữa phố.

Theo Sài Gòn Giải Phóng