Top

Điều chỉnh cục bộ qui hoạch: Được phép nhưng cần trình tự!

Cập nhật 08/04/2008 09:00

Muôn vật "thiên biến vạn hóa", qui hoạch xây dựng cũng không "vạch" ra 1 lần rồi cứng nhắc, không bao giờ thay đổi. Việc điều chỉnh qui hoạch được pháp luật cho phép, tuy nhiên thực tế nhiều việc xảy ra gần đây cho thấy chính những nhà quản lý, nhà qui hoạch còn lúng túng giữa "mớ" trình tự, thủ tục này nữa là người dân!

Sự chưa "nhuần nhuyễn", thậm chí hiểu khác nhau về các trình tự thực hiện điều chỉnh qui hoạch giữa các cấp, các ngành thời gian qua khiến cho nhiều công trình chỉ vì vướng "điều chỉnh cục bộ" thôi mà vụ việc trở nên hết sức nhạy cảm, thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận, như: dự án tòa nhà EVN, khách sạn 5 sao 31 Kim Mã (Hà Nội)...

Mặc dù hệ thống văn bản qui phạm pháp luật nói chung đã có đầy đủ qui định liên quan đến vấn đề lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng - song ngày 7/4/2008, Bộ Xây dựng vẫn thấy cần thiết tiếp tục ban hành Thông tư 07/2008/TT-BXD với 8 phần chính gồm rất nhiều hướng dẫn cụ thể xung quanh vấn đề này.

Điều chỉnh cục bộ không làm thay đổi các định hướng lớn!

Theo Bộ Xây dựng, qui hoạch xây dựng (cho các giai đoạn 5, 10 năm hoặc dài hơn) mang tính dự báo, vì vậy trong quá trình triển khai thực hiện, kiểm tra, rà soát nếu xuất hiện các yếu tố tác động làm thay đổi dự báo của qui hoạch đã được phê duyệt - UBND các cấp cần tổ chức điều chỉnh qui hoạch xây dựng.

Căn cứ tình hình thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và các yếu tố tác động tới quá trình phát triển đô thị, người có thẩm quyền phê duyệt qui hoạch xây dựng quyết định về thời hạn và nội dung điều chỉnh qui hoạch này.

Khi phải điều chỉnh qui hoạch xây dựng, chỉ những nội dung điều chỉnh được tập trung, chú trọng. Những nội dung không điều chỉnh của đồ án đã được phê duyệt vẫn phải được giữ nguyên giá trị pháp lý, được thể hiện trong nội dung hồ sơ đồ án điều chỉnh qui hoạch xây dựng và phải được tiếp tục thực hiện để đảm bảo qui hoạch xây dựng có tính liên tục, thường xuyên.

Ngoài ra, Thông tư cho thấy cần phân tích, đánh giá hiện trạng, xác định rõ các yêu cầu cải tạo, chỉnh trang để đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu về sử dụng đất, giải pháp tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan đối với từng khu vực; giải pháp về cải tạo mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật phù hợp với yêu cầu phát triển khi tiến hành điều chỉnh qui hoạch.

Khái niệm "điều chỉnh cục bộ qui hoạch xây dựng" cũng được làm rõ trong Thông tư này - hàm ý chỉ sự thay đổi một hoặc một số nội dung về chức năng, qui mô, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật... của một hoặc vài khu vực nhưng không làm thay đổi các định hướng phát triển lớn về kinh tế - xã hội, bố cục không gian kiến trúc, mạng lưới hạ tầng kỹ thuật chính đã được xác định tại qui hoạch trước.

Khi thực hiện điều chỉnh cục bộ qui hoạch xây dựng, đối với đồ án qui hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, UBND cấp tỉnh phải lấy ý kiến chính thức bằng văn bản của Bộ Xây dựng về nội dung điều chỉnh. Đối với đồ án qui hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện phải lấy ý kiến chính thức bằng văn bản của cơ quan quản lý qui hoạch xây dựng cấp tỉnh. Vai trò của qui hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 và 1/500

Người dân rất nhiều lần được nghe những cụm từ "tỉ lệ 1/2000" hoặc "tỉ lệ 1/500" liên quan đến khu vực hoặc dự án mình quan tâm, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu thấu đáo về chuyên môn này. Thông tư 07 vừa ra đời một lần nữa phân định rõ nhiệm vụ của các qui hoạch chi tiết này.

Theo đó, qui hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/2000 cần làm rõ mục tiêu, phạm vi ranh giới, diện tích, tính chất khu vực lập qui hoạch chi tiết; một số chỉ tiêu dự kiến về sử dụng đất, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; các yêu cầu, nguyên tắc đảm bảo phù hợp về không gian kiến trúc, đấu nối hạ tầng kỹ thuật với qui hoạch chung xây dựng được duyệt và khu vực lân cận.

Qui hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 có trách nhiệm làm rõ phạm vi ranh giới, diện tích khu vực lập qui hoạch chi tiết; các chỉ tiêu về dân số, đất đai, hạ tầng kỹ thuật; các yêu cầu, nguyên tắc đảm bảo phù hợp với qui hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 được duyệt và khu vực xung quanh.

Các qui hoạch chi tiết xây dựng cải tạo, chỉnh trang cần đánh giá toàn bộ hiện trạng các công trình xây dựng (nhà ở, công cộng, hạ tầng kỹ thuật ngầm...), các yếu tố về văn hoá - xã hội, môi trường khu vực thiết kế để có giải pháp qui hoạch phù hợp về kiến trúc cảnh quan và sự kết nối về mặt kỹ thuật.

Đối với qui hoạch chi tiết xây dựng mới hoặc cải tạo 2 bên trục đường chính trong đô thị, phạm vi lập qui hoạch được xách định tối thiểu là 50m mỗi bên kể từ phía ngoài chỉ giới đường đỏ. Đối với quốc lộ hoặc tỉnh lộ (là các trục hành lang phát triển), phạm vi lập qui hoạch tối thiểu là 100m mỗi bên kể từ phía ngoài hành lang an toàn đường bộ.

Cơ quan tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án qui hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 đối với các khu chức năng của các đô thị loại đặc biệt, loại 1, 2, 3; qui hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 và tỉ lệ 1/500 đối với các khu vực có phạm vi lập qui hoạch chi tiết xây dựng liên quan tới địa giới hành chính 2 quận, 2 huyện trở lên; các khu chức năng khác ngoài đô thị (khu đô thị, khu du lịch, khu di sản, bảo tồn di tích, giáo dục đào tạo, y tế, cụm công nghiệp...); các khu chức năng thuộc đô thị mới; các khu chức năng trong đô thị mới liên tỉnh có phạm vi lập qui hoạch chi tiết xây dựng thuộc địa giới hành chính 1 tỉnh - là UBND cấp tỉnh.

UBND cấp huyện có trách nhiệm lập nhiệm vụ và đồ án qui hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 đối với các khu chức năng thuộc đô thị loại 4, loại 5; qui hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 đối với các khu chức năng của đô thị từ loại đặc biệt đến loại 5...

Đối với TP Hà Nội, không chỉ khu vực Kim Mã cần điều chỉnh qui hoạch mà nhiều khu vực khác cũng cần phải điều chỉnh qui hoạch xây dựng. Việc điều chỉnh qui hoạch là cần thiết và được pháp luật cho phép

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính


Theo VietNamNet