Thị trường BĐS trầm lắng, cùng với việc đánh thuế thu nhập chuyển nhượng BĐS khiến cho nhà đầu tư bị ngâm vốn, không ít trong số họ kể cả nhà đầu tư ngoại lâm vào cảnh lao đao. Làm sao để lấy lại niềm tin nhà đầu tư, bỏ tiền vào phân khúc nào dễ kiếm lời và ít rủi ro nhất đang là xu hướng được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Nhà phố, căn hộ trung bình đắt hàng
Xu hướng chung của thị trường BĐS TP.HCM vẫn được giới chuyên gia đánh giá là khả quan vì nhu cầu thực tế của người mua rất lớn. Đáng chú ý là thị trường nhà phố đơn lẻ và căn hộ giá trung bình vẫn giao dịch khá tốt.
Hiện căn hộ giá trung bình ở TP.HCM giao dịch khá tốt. |
Nguyễn Văn Ba, chuyên môi giới, đầu tư nhà đất ở Q.Gò Vấp cho biết, nếu đầu tư thị trường BĐS thì nên chú ý vào loại nhà phố đơn lẻ ở các quận ngoài rìa như Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân... Hơn 10 năm có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, hỏi đến khu vực nào Ba cũng thuộc làu.
Đây là loại sản phẩm kiếm lời nhanh và an toàn. Khách hàng của loại nhà ở bình dân này là những cặp vợ chồng trẻ không muốn sống ở các khu chung cư, hoặc người dân ở các tỉnh về TP mua nhà cho con ăn học. “Mình thường chọn mua những căn nhà nát, rồi xin giấy phép xây dựng lại sau đó rao bán. Mỗi “phi vụ” như vậy kiếm lời 100 - 200 triệu, nếu gặp khách, gặp giá thì lời nhiều hơn. Mua loại nhà đất này, không cần bỏ nhiều tiền, mà cũng không sợ ế” - anh Ba nói.
Bất chấp thị trường BĐS đóng băng, thị trường nhà đơn lẻ giao dịch sôi động và âm thầm lên giá đều đặn. Thậm chí giá tương đương với một dự án tại Q.9 hay khu nam Sài Gòn. Mới đây, chị Hạnh mua một căn nhà trên đường Mai Lão Bạng (P.14, Q.Tân Bình), diện tích 50m2, giá 1,6 tỷ đồng, tính ra hơn 50 triệu đ/m2, và chị cho thuê lại giá chỉ 5 triệu đ/tháng.
Tâm, nhân viên trung tâm môi giới nhà đất tại Q.Gò Vấp khẳng định, nhà đơn lẻ vẫn được rao bán với giá rất "cứng", tùy vào thời điểm giá vẫn nhích từ 200 ngàn đến 1 triệu đ/m2, hiện tại trung bình tại các con hẻm trên đường Quang Trung (P.10) được rao bán với giá trung bình 20 triệu đ/m2, nhà cấp 4. Hẻm đường Phan Huy Ích (P.12) giá khoảng 13,5 triệu đ/m2.
So với đất nền dự án hay căn hộ cao cấp, dạng nhà phố đơn lẻ này lại gặp hạn chế là hạ tầng giao thông khó khăn, nhiều khu vực dễ bị ngập nước, kẹt xe thường xuyên. Đặc biệt là tính pháp lý nếu không tìm hiểu kỹ người mua rất dễ bị lừa. Ông Bùi Tiến Thắng, Phó Tổng giám đốc Cty Địa ốc Saicomreal đưa ra khuyến cáo nhà đầu tư BĐS trong bối cảnh hiện nay. Đó là, khi tiếp cận bất cứ sản phẩm nào, nhà đầu tư, khách hàng nhỏ lẻ phải xét đến 2 tiêu chí: Pháp lý và vị trí của dự án.
Chuyên gia này phân tích, vị trí luôn được xếp ưu tiên hàng đầu vì nó có sức hấp dẫn đặc biệt khiến khách hàng săn lùng dự án. Tuy nhiên, chính pháp lý của sản phẩm mới quyết định suất đầu tư thành hay bại. Bởi lẽ, nếu pháp lý có vấn đề, rủi ro sẽ đổ hết lên khách hàng và nhà đầu tư.
Nhà giá rẻ trong thời điểm hiện tại được đánh giá là “điểm sáng” của thị trường BĐS. Bên cạnh thị trường nhà phố đơn lẻ, loại căn hộ giá trung bình thời gian gần đây cũng làm “nóng” thị trường với các dự án E.Home 1 và 2 (Q.9), 584 LILAMA-SHB (Q.Tân Phú), Lê Thành (Q.Bình Tân)... Các căn hộ nêu trên đều nhắm đến mục đích đối tượng khách hàng có thu nhập ổn định. Ưu điểm của loại căn hộ này là giá chấp nhận được từ 600 triệu đ/căn, diện tích nhỏ tương đối từ 50 - 80m2, đáp ứng được những tiêu chí của khách hàng.
Chờ cơ sở hạ tầng?
Thị trường BĐS ở Bình Dương, Đồng Nai trước đây cũng chỉ dừng ở dạng tiềm năng, các dự án chỉ phục vụ cho nhà đầu tư từ TP.HCM vì thế mà thiếu tính bền vững. Hậu quả tất yếu là đợt rớt giá thê thảm giảm đến 2/3 giá trị làm không ít nhà đầu tư đã mất lòng tin vào thị trường này.
Thế nhưng thời gian gần đây đã có dấu hiệu gượng dậy với hàng loạt dự án KĐT lớn chào hàng của Tín Nghĩa, Donaland và Sonadezi. Đáng chú ý các dự án “Phố Đông Biên Hòa” bao gồm khu dịch vụ, tài chính, khu căn hộ cao cấp, khách sạn... rộng 335ha mặt trước nằm ven xa lộ Hà Nội cách TP.HCM 30km, mặt sau là nhánh sông Đồng Nai; dự án tổ hợp sân gôn, khu nhà ở nghỉ dưỡng cao cấp “cù lao Tân Vạn” 45ha; KĐT kinh tế mở Long Hưng 1.170ha và KĐTM Đông Sài Gòn 940ha, vừa được khởi công tại huyện Nhơn Trạch. Không những công bố dự án mới, ba “đại gia” BĐS còn liên kết sàn lại với nhau tạo nên kênh phát triển thị trường BĐS đa dạng cung cấp khách hàng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Sàn giao dịch BĐS Tín Nghĩa thuộc Cty Tín Nghĩa, cho biết, các sàn liên kết lại cùng với các dự án giao thông vừa được khởi công đã kích thích thị trường nhà đất có dấu hiệu sôi động. Dự án Thạnh Phú hiện tỷ lệ giao dịch khá cao, giá trên dưới 2 triệu đ/m2 (trước đây 1,5 - 1,8 triệu đ/m2); dự án Phú Tín ở xã Tam Phước, huyện Long Thành do Cty Phú Tín làm chủ đầu tư, giá đất nền vừa tăng từ 2,3 triệu lên 2,5 triệu đ/m2.
Bà Hương nhận định, thị trường nhà đất tại Đồng Nai có nhiều tiềm năng vì nằm ngay vị trí của vùng kinh tế trọng điểm. Hơn nữa giá khá mềm khoảng 300 triệu đ/lô đất nền, nhà đầu tư không bị áp lực bởi vốn vay ngân hàng và các chính sách về thuế chuyển nhượng.
Ông Trần Minh Phúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhận định, Đồng Nai sẽ có sân bay Quốc tế Long Thành, cảng Phước An; hạ tầng giao thông, một trong những điểm yếu hứa hẹn sẽ được khắc phục bằng các dự án vừa được khởi công như đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; dự án mở rộng QL51B và dự án QL1A đoạn tránh TP Biên Hòa (đã được phê duyệt vốn) sẽ là động lực cho hàng loạt dự án bất động sản quy mô lớn đang triển khai. Đồng Nai sẽ là KĐT kiểu mẫu, hiện đại với môi trường sống lý tưởng trong tương lai.
Một khi hạ tầng giao thông được cải thiện, việc kết nối các khu vực với TP.HCM dễ dàng hơn sẽ là lực đẩy cho thị trường BĐS Bình Dương và Đồng Nai chuyển mình mạnh mẽ.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng