Đa phần các dự án nhỏ lẻ ở quận 2 đã xây dựng theo dạng phân lô, bán nền nên bộ mặt đô thị mới không được đồng đều. Ảnh: HTD |
“Hiện nay, quận 2 được xác định là trung tâm mở rộng của TP nên các đồ án nhà biệt thự và thấp tầng được phê duyệt cách đây hơn 10 năm không còn phù hợp. Nhiều mẫu nhà không còn đáp ứng nhu cầu của người dân nhưng muốn điều chỉnh lại không được”.
Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 2 Lê Xuân Viên trình bày như vậy trong buổi giám sát về quy hoạch của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP ngày 21-10. Quận 2 (TP.HCM) có hơn 350 dự án, trong đó 97 dự án đang giải phóng mặt bằng.
Lạc hậu nhưng vẫn phải theo
Ông Viên còn phát biểu: Hiện nay, đa phần các dự án nhỏ lẻ được phê duyệt từ trước năm 2002 đã xây dựng xong theo dạng phân lô, bán nền. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật các dự án này có chất lượng thấp, không kết nối được với nhau nên không thể lập thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người dân.
Ông Viên cho biết thêm, do nhu cầu nên nhiều người dân trong quận chấp nhận nộp phạt để xây sai thiết kế đã duyệt, khiến bộ mặt đô thị không đồng đều. Vừa qua, Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch-Kiến trúc đã có văn bản đề nghị UBND TP cho phép quận 2 được điều chỉnh mẫu nhà theo một trình tự riêng nhưng Sở Tư pháp cho rằng việc này không phù hợp.
Việc quy hoạch nhà ở thấp tầng trước đây gây khó khăn trong việc phát triển không gian đô thị. Do đó, quận 2 kiến nghị cần khuyến khích đầu tư xây dựng cao tầng để tránh lãng phí đất bởi giá đất ở quận này rất cao.
Quy hoạch chưa bao lâu đã chớm đổi
Theo quận 2, khó khăn lớn trong công tác lập và quản lý quy hoạch của quận là việc quy hoạch chung theo nhiệm vụ từ cấp địa phương đến cấp TP nhiều lần bị chỉnh sửa. “Khi thực hiện quy hoạch theo kiểu hình chóp nón, lẽ ra phải làm cái lớn trước rồi đến cái nhỏ thì phần nhiều chúng ta lại làm ngược lại” - ông Sang nhận xét.
Quy hoạch 1/500 làm trước, vừa phê duyệt xong thì quy hoạch 1/2000 tạm ngưng hoặc điều chỉnh, mà điều chỉnh xong thì quy hoạch 1/500 lại không phù hợp. Do đó, các quy hoạch 1/500 không thể kết nối hệ thống hạ tầng đồng bộ theo quy hoạch 1/2000 và quận cũng không có cơ sở để tiếp nhận bàn giao hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo quy định.
Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách Phạm Văn Đông đồng tình: “Tôi có cảm giác tuổi thọ của quy hoạch sao mà ngắn quá. Thậm chí, giá cả thị trường thay đổi trong vài tháng thôi là quy hoạch muốn chớm chớm đổi theo”.
Một đại biểu khác lưu ý: Tiền đồ của quận 2 thì có vẻ sáng lạn, thế nhưng hiện trạng thì phát triển không đồng đều, thậm chí có khu vực chậm phát triển như Thạnh Mỹ Lợi hoặc các khu phân lô hộ lẻ không kết nối được với nhau. Cần chú trọng giải quyết sớm vấn đề này. Còn Phó ban Kinh tế và Ngân sách Huỳnh Công Hùng đề nghị trong quá trình làm quy hoạch, quận 2 phải hết sức chú ý đến đặc thù nhiều sông rạch của mình.
Sau đợt giám sát tại một số quận, huyện, ngày 30-10, HĐND TP.HCM sẽ tổ chức phiên điều trần với các cơ quan liên quan về công tác lập và quản lý quy hoạch tại TP.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP