Các tuyến đường chính dẫn vào khu trung tâm TPHCM kẹt cứng. |
Kẹt xe làm thiệt hại kinh tế TPHCM mỗi năm lên đến khoảng 18.000 tỉ đồng.
TPHCM có chủ trương phát triển đô thị theo hướng mở ra các đô thị vệ tinh để chia sẻ áp lực với khu trung tâm vốn đã quá chật chội, song trên thực tế, các toà nhà cao ốc vẫn đua nhau mọc lên ở khu trung tâm, cộng với sự nở rộ của những "khu đất vàng", khiến cho tình trạng kẹt xe ngày càng thêm trầm trọng.
Cao ốc đua nhau mọc lên ở khu trung tâm
Trong các báo cáo về giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông, thành phố cho biết, đang thực hiện dãn tiến độ đầu tư xây dựng các cao ốc, trung tâm thương mại ở khu vực trung tâm thành phố, đồng thời hình thành các đô thị vệ tinh.
Nhưng theo ghi nhận của PV, với sức hấp dẫn các nhà đầu tư, khu trung tâm thành phố vẫn ngày càng mọc lên nhiều toà nhà cao tầng, trung tâm thương mại. Từ đầu năm 2009 đến nay, trên địa bàn trung tâm TPHCM (Q.1, Q.3) có gần một chục cao ốc xây dựng hoàn thành đưa vào hoạt động, nằm tại các vị trí đẹp như: Đường Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Duẩn, Hai Bà Trưng, Cống Quỳnh, Nguyễn Trãi... Hiện khu vực trung tâm thành phố còn có hàng chục đại công trường xây dựng cao ốc, trung tâm thương mại khác đang trong giai đoạn khẩn trương thi công.
Chưa hết, UBND TPHCM vừa kiến nghị Thường trực HĐND TP xem xét, thông qua một số “khu đất vàng” đều thuộc địa bàn Q.1, để chuẩn bị đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Các “khu đất vàng” gồm: 164 đường Đồng Khởi, khu đất Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế - Hồ Tùng Mậu - Huỳnh Thúc Kháng, khu vực chợ Dân Sinh, khu đất Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Huỳnh Thúc Kháng, khu đất Hồ Tùng Mậu - Huỳnh Thúc Kháng - Tôn Thất Đạm - Tôn Thất Thiệp.
Trong khi tốc độ phát triển nhà cao ốc ngày càng nở rộ, thì hệ thống đường sá tại khu vực Q.1, Q.3 vài năm trở lại đây, gần như không được xây mới thêm. Chính vì vậy, tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng diễn ra nghiêm trọng. Vào những giờ cao điểm, hầu hết các trục đường dẫn vào khu trung tâm thành phố đều chật cứng dòng người và phương tiện.
Phải hạn chế tối đa xây cao ốc tại khu trung tâm
Việc thành phố cho đấu thầu những khu đất vàng, nhằm mục đích đẩy nhanh tiến độ chỉnh trang, cải tạo lại một số khu vực dân cư ọp ẹp nằm ngay tại trung tâm thành phố. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia về quy hoạch – xây dựng, nếu thành phố có đủ khả năng về tài chính, đầu tư tiền cải tạo lại khu trung tâm thành phố thì mới có thể chủ động không để phát sinh tăng dân số và đảm bảo được sự phân bố hợp lý về cơ sở hạ tầng. Còn một khi các nhà đầu tư tư nhân nhảy vào thì họ không dại gì bỏ tiền ra để chỉnh trang, cải tạo mà không tính đến lợi nhuận. Chính vì vậy, sau khi tái định cư tại chỗ cho người dân xong, các nhà đầu tư đều chừa lại một phần diện tích để bán, kinh doanh thu lời.
PGS - TS Nguyễn Xuân Vinh - Chủ nhiệm bộ môn xây dựng cầu đường Trường ĐH Tôn Đức Thắng - đề nghị thành phố phải hạn chế đến mức tối đa việc xây dựng bổ sung, mở rộng nâng cao nhiều tầng các công trình (cao ốc, siêu thị, trung tâm thương mại, giải trí) tại các Q.1, Q.3 và dọc theo những đường chính dẫn vào khu trung tâm.
Hiện nay, dù thành phố chỉ cho phép xây dựng các khu chung cư cao tầng hoặc các cơ sở dịch vụ nếu đảm bảo được diện tích để xe (ôtô, gắn máy), nhưng theo TS Nguyễn Xuân Vinh thì điều này chưa ổn, vì chưa tính toán đến hành trình đi lại. Mỗi toà cao ốc được xây dựng lên sẽ làm phát sinh thêm hàng loạt hành trình đi lại, nhu cầu bến bãi, đậu xe.
Hơn thế, bình thường đường sá tại khu vực trung tâm đã không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, nếu xây dựng thêm cao ốc chắc chắn sẽ làm tăng tổng hành trình đi lại thì lấy đường đâu để đi.
Kỹ sư Nguyễn Trường Hiệp (Hội Cầu đường cảng TPHCM) cho rằng: “Việc nhanh chóng hình thành khu đô thị mới Thủ Thiêm là rất cần thiết và cấp bách, để tạo điều kiện cho sự phân bố lại giao thông thông hợp lý hơn, nhưng rất tiếc tiến độ của dự án này quá chậm chạp. Về lâu dài, thành phố phải phát triển quy hoạch, với việc bổ sung thêm một số vệ tinh khác và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đô thị vệ tinh này”.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động