Chỉ trong một tháng, đất huyện Thanh Trì (Hà Nội) vốn yên ắng đã tăng từ 3 đến 5 triệu đồng mỗi m2. Theo nhiều chuyên gia, đây được coi là đợt sốt kỷ lục trong gần 10 năm qua của huyện do có thông tin Thanh Trì sắp thành quận.
Ông Nguyễn Quang Đông, một môi giới tư nhân tại thôn Thượng Phúc, xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội, cho hay, trong một tháng trở lại đây, đất thổ cư Thanh Trì rơi vào điểm nóng của thị trường. Lượng khách tăng gấp 3 lần so với tháng trước, đặc biệt là vào dịp cuối tuần. "Riêng hai ngày thứ 7 và chủ nhật, tôi đã dẫn khoảng trên dưới 30 khách hàng hỏi mua. Khách chủ yếu là những người ở tỉnh xa, ngoại thành Hà Nội", ông Đông cho hay.
Theo anh Hữu Nam, văn phòng tư vấn bất động sản Thiên Cơ, đất sốt ở các khu vực Cầu Bươu, Ngũ Hiệp, Tứ Hiệp, Ngọc Hồi. Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, mỗi m2 đất đã tăng từ 3 đến 5 triệu đồng. Cá biệt có những khu giá đất tăng gấp đôi. Đất sổ đỏ chính chủ thường được nhiều khách hàng quan tâm. Khách mua chủ yếu là những đôi vợ chồng trẻ mới cưới. Nhiều người ở các tỉnh xa như Nghệ An, Thái Nguyên... Số ít là khách ở Hà Nội mua để đó, chưa ở ngay.
Khu Ngũ Hiệp có giá lên tới 25 trệu- 30 triệu đồng tùy vị trí. Ảnh: Hoàng Lan. |
Đất Cầu Bươu kể từ khi có khu đô thị mới Cầu Bươu cũng tăng từ 25 lên đến 30 triệu mỗi m2. Riêng khu vực mặt đường ôtô chạy thẳng từ đường 70, đất cũng lên tới 35 triệu mỗi m2, đi sâu vào cuối xã Tả Thanh Oai, đường nhỏ ngõ chỉ khoảng 2-3 m cũng có giá 12-16 triệu đồng. Đất Ngọc Hồi thuộc quốc lộ 1A cũng tầm khoảng 35-40 triệu mỗi m2. Khu Ngũ Hiệp - Tứ Hiệp mặt đường 4 m cũng ngất ngưởng 25-30 triệu đồng. Riêng khu Vĩnh Quỳnh dù mặt đường khá rộng rãi nhưng gần nghĩa trang Văn Điển nên có giá "mềm" hơn, khoảng 12-16 triệu đồng tùy vị trí.
Theo nhiều người dân tại thôn Yên Kiện, xã Ngọc Hồi, Thanh Trì, nhiều khách hàng sẵn sàng mua cả đất 5% (đất được phân để sản xuất) với giá "bèo" khoảng 4-5 triệu mỗi m2 rồi sau này tìm cách "lách luật" làm sổ đỏ. Giá đất tăng chóng mặt, không ít nhà trong thôn đã tranh thủ chia nhỏ đất vườn để bán. Nhiều người dân cho hay, chưa bao giờ thôn lại nhộn nhịp việc mua bán nhà đất đến vậy, nhà nhà đua nhau bán đất.
Gia đình bà Hoài, Ngọc Hồi, mua một mảnh đất rộng 200 m2 từ cách đây gần chục năm với giá 20 triệu đồng. Miếng đất vuông vắn được bà mua để chia cho các con làm của hồi môn nay đã được chia nhỏ để bán. "Nếu tính trung bình 10 triệu mỗi m2 thì tôi cũng được khoảng 2 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến trường hợp đất còn tiếp tục lên giá", bà Hoài hồ hởi.
Bác Hân, một thổ cư tại xã Ngọc Hồi, cho hay, sở dĩ trong một tháng gần đây, đất huyện Thanh Trì sốt là do tin đồn huyện Thanh Trì sắp lên quận. Chỉ tính riêng xã Ngọc Hồi có 3 thôn, Yên Kiện, Ngọc Hồi và Lạc Thị. Trong đó, Yên Kiện có thế đất "bàn cờ" vuông vắn nên được nhiều người hỏi mua nhất. Ngoài ra, dự án xây dựng đường sắt trên cao "chạm" tới nhiều khu đất thuộc huyện Thanh Trì như đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên khiến khu vực này nóng dần lên. "Tháng 5 vừa qua, huyện Thanh Trì đã điều tra xã hội học lập báo cáo tiền khả thi cho dự án đường sắt này nên khu đất quanh đây càng sốt", bác Hân tiết lộ.
Chỉ một miếng đất khá vuông vắn, bác Hân chia sẻ: "Mảnh đất rộng khoảng 35 m2, không có sổ đỏ này cũng 5 lần 7 lượt được người hỏi mua. Chỉ trong một tháng giá cả đã khác. Hồi đầu tháng, miếng đất này được định giá 380 triệu giờ đã lên tới khoảng 400 triệu".
Tuyến đường Ngọc Hồi- Vĩnh Quỳnh- Đại Áng đang được triển khai. Ảnh: Hoàng Lan. |
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Huy Toàn, trưởng phòng quản lý đô thị huyện Thanh Trì cho hay, có thể nói, đợt sốt này được coi là kỷ lục trong khoảng 10 năm qua của huyện Thanh Trì. Trước đó, khi các khu khác thuộc phía Tây như Mỹ Đình, Văn Quán sốt "sôi sùng sục" thì đất Thanh Trì vẫn án binh bất động.
Ngày 10/10 vừa qua, UBND huyện Thanh Trì tiến hành đấu giá đất liền kề khu Tứ Hiệp, Ngũ Hiệp giá khởi điểm 7 triệu nhưng giá đất đã được đẩy lên tới từ 31 triệu đến 38 triệu. Biệt thự giá 6 triệu nhưng đấu giá lên tới 25 triệu đồng. Đất liền kề khu Tân Triều đưa ra mức giá ban đầu là 8,3 triệu nhưng đã được trả tới 30 triệu. Có những người vừa mua được từ phiên đấu giá, ra ngoài đã được trả chênh tới 2 triệu mỗi m2. "Điều này cho thấy đất Thanh Trì đang nóng thực sự và nhu cầu đất của người dân đang rất lớn", ông Toàn nhận xét.
Theo ông Toàn, trước đây, Thanh Trì thuộc diện đất trũng, nền đất không thuận lợi cho quy hoạch. Trong những năm gần đây, Thanh Trì có nhiều dự án đang được triển khai như Khu đô thị mới Cầu Bươu, Khu đô thị mới phía Bắc Chu Văn An... khiến diện mạo toàn huyện thay đổi. Ngoài ra, huyện Thanh Trì từ lâu đã được coi là bể hứng nước thải của thành phố, tất cả nước thải theo sông Tô Lịch đổ vào sông Nhuệ. Tuy nhiên, TP Hà Nội vừa có quyết định sẽ dừng việc địa táng tại nghĩa trang Văn Điển từ ngày 1/7/2010. Nghĩa trang sẽ được cải tạo theo xu hướng trở thành công viên cây xanh. "Đây là lý do cơ bản khiến đất Thanh Trì lên cơn sốt", ông Toàn chia sẻ.
Dù sốt, nhưng theo ông Toàn, đất khu vực Thanh Trì vẫn còn "dễ thở" hơn các khu vực khác như Mỹ Đình, Hoàng Mai nên vẫn được nhiều người chọn lựa. Đất trong ngõ thuộc khu vực Hoàng Mai đã lên tới 30-40 triệu, trong khi đó Thanh Trì chỉ khoảng trên dưới 20 triệu. Mặt đường phố Văn Điển, Ngọc Hồi chỉ khoảng 50 triệu mỗi m2 trong khi đó Hoàng Mai lên tới 100 triệu đồng.
Ngoài ra, ông Toàn phân tích, kể từ khi mở rộng địa giới Hà Nội, Thanh Trì cũng góp mặt trở thành trung tâm thành phố. Một loạt các tuyến đường trọng điểm đi qua huyện Thanh Trì khiến khu đất quanh đây đang nóng lên từng ngày. Tiêu biểu là tuyến đường phía đông khu danh nhân Chu Văn An với tổng mức đầu tư hơn 155 tỷ đồng dự kiến khởi công tháng 12/2009. Tuyến đường Đại Áng - Liên Ninh khởi công tháng 8/2010. Đặc biệt đầu tháng 11 tới sẽ khởi công tuyến đường Ngọc Hồi - Vĩnh Quỳnh - Đại Áng với mức đầu tư 195 tỷ đồng.
Còn thông tin Thanh Trì sắp lên quận, ông Toàn cho hay, huyện vẫn chưa nhận được bất cứ quyết định cũng như chủ trương nào của thành phố.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress