Top

Thị trường bất động sản: Phân khúc mặt bằng bán lẻ tiếp tục gặp khó

Cập nhật 11/01/2021 11:30

Xu hướng đóng các cửa hàng không hiệu quả, tập trung bán hàng trực tuyến đã khiến cho mặt bằng nhà phố tại TP.HCM vẫn im lìm dù dịch bệnh trên cả nước đã phần nào được khống chế.

Covid-19 đã tác động trực diện lên thị trường cho thuê nhà phố.

Hoạt động trong lĩnh vực bán hàng thời trang với nhiều chuỗi cửa hàng ở các quận trung tâm TP.HCM, Công ty Sewow đang ăn nên làm ra thì đại dịch Covid-19 ập đến. Việc kinh doanh của doanh nghiệp này nhanh chóng giảm 3/4 so với bình thường. Chị Phạm Kim Hạnh, CEO Sewow chọn phương án phòng thủ bằng cách giảm mọi chi phí cố định và bắt tay "chung một nhà" với doanh nghiệp khác ngành để nương nhau vượt qua dịch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Uynh, môi giới nhà phố tại khu vực quận 1, TP.HCM, có thâm niên gần chục năm tại thị trường cho biết, đây là giai đoạn khủng hoảng trầm trọng nhất của thị trường mặt bằng cho thuê trong vòng 10 năm trở lại đây. Phía chủ nhà không còn cảnh hét giá cao vẫn có khách xếp hàng tranh thuê, thay vào đó, chủ nhà phố phải đối mặt với làn sóng cắt giảm chi phí, trả mặt bằng khá cao.

Trong báo cáo của Savills cũng chỉ ra rằng, rất nhiều chuỗi ăn uống và thời trang tại các vị trí đắc địa nhưng tình hình kinh doanh giảm sút đã buộc phải đóng cửa hoặc thu gọn kinh doanh. Hàng loạt nhà phố tại các khu vực trung tâm phụ thuộc vào lĩnh vực du lịch từ khách nước ngoài như Lý Tự Trọng, Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM) đã tiến hành tạm ngừng hoạt động hoặc trả mặt bằng do chịu ảnh hưởng nặng nề của quy định hạn chế đi lại giữa các quốc gia.

Một ví dụ điển hình về tình trạng gặp khó của các chủ nhà cũng như khách thuê trong thời gian này là các khu phố Hàn Quốc quanh khu vực quận 7. Trước thời điểm dịch bệnh, tỷ lệ lấp đầy của bất động sản bán lẻ tại đây luôn duy trì ở mức cao (khoảng 95%). Hiện nay, tỷ lệ bỏ trống đã lên đến 40%, nhất là các mặt bằng nội khu.

Ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam đánh giá, gần như ngay lập tức, Covid-19 đã tác động trực diện lên thị trường cho thuê nhà phố. Đại dịch đã khiến một số nhà bán lẻ, chủ yếu ở các khu vực ngoài trung tâm phải chấm dứt hợp đồng hoặc chuyển địa điểm thuê.

Cũng theo ông Troy, Covid-19 đã thay đổi cách thị trường bán lẻ tiếp cận người tiêu dùng thông qua thương mại điện tử và xu hướng này sẽ còn tiếp diễn mạnh mẽ trong năm 2021, dẫn đến sự phân hóa trong tương lai. Đại dịch đã buộc người mua sắm và nhà bán lẻ phải thay đổi hành vi, tạo cơ hội cho thương mại điện tử.

Các nhà bán lẻ truyền thống đã áp dụng công nghệ để cải thiện hiệu suất và nâng cao dịch vụ, tập trung nhiều hơn vào thương mại điện tử. Những khách hàng dần quen thuộc với các chương trình khuyến mãi khi mua sắm trực tuyến và hưởng lợi từ giao hàng tận nơi nhanh chóng.

Báo cáo gần đây của Google Temasek dự đoán, phân khúc nội địa tăng trưởng 43% theo năm, lên khoảng 15 tỷ USD vào năm 2025 nhờ vào 66% dân số là người dùng Internet thường xuyên và 72% có điện thoại thông minh. Khi thương mại điện tử phát triển, các dịch vụ giao hàng cũng vậy, đặc biệt là F&B. Các siêu thị như Coopmart, Vinmart cũng đã mở rộng dịch vụ giao hàng tận nhà.

Sự tăng trưởng nhanh chóng này còn ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng. Nghiên cứu của Nielsen cho thấy, sau đại dịch, 64% người được hỏi sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ giao hàng, trong khi 63% sẽ tăng cường mua sắm trực tuyến. Điều này đồng nghĩa mặt bằng bán lẻ vẫn tiếp tục gặp khó khăn.

Một cuộc khảo sát trên các trang web thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam bao gồm Shopee, Tiki, Lazada và Sendo cho thấy tốc độ tăng trưởng lượng truy cập vào các website này đang tăng nhanh.

Còn theo dự báo của Savills Việt Nam, làn sóng thương mại điện tử do hiệu ứng từ đại dịch đã tạo cơ hội cho các địa điểm bán lẻ ở ngoại ô và các khu phức hợp lớn nổi lên, thay vì trước đó chỉ tập trung mặt bằng kinh doanh ở khu lõi trung tâm đô thị.

DiaOcOnline.vn – Theo Báo đầu tư