Nhà ở xã hội là nhu cầu thiết thực của nhiều người có thu nhập thấp, trong đó có cán bộ, công nhân, viên chức. Mặc dù TPHCM đã có những chủ trương, chính sách, nhưng thực tế tiếp cận phân khúc nhà ở xã hội không dễ dàng.
Dự án nhà ở xã hội Zen Tower, phường Thới An, quận 12, TPHCM
Rườm rà thủ tục
Chị Nguyễn Thị Thảo Nguyên (giáo viên ở quận Gò Vấp) và gia đình chưa có hộ khẩu TPHCM, đang thuê nhà tại phường 15, quận Gò Vấp. Năm 2015, sau khi nghe tin có dự án nhà ở xã hội tại địa chỉ 35 Hồ Học Lãm (phường An Lạc, quận Bình Tân) mở bán, chị Nguyên tìm hiểu xin mua, được yêu cầu phải có giấy xác nhận chưa có nhà ở tại phường, xác nhận đối tượng ở cơ quan, xác nhận thu nhập… Chị mất cả tháng làm hồ sơ nhưng không xin được xác nhận chưa có nhà ở của chính quyền phường nơi tạm trú. Lý do là cán bộ phường đi xác minh đơn chỉ ghi là “không phải chủ sở hữu ngôi nhà đang ở”, nên không được chủ đầu tư chấp nhận, vì bắt buộc mẫu đơn phải có lãnh đạo phường xác nhận. Vậy là gia đình chị Nguyên tuột mất cơ hội và nay vẫn loay hoay tìm mua nhà ở xã hội.
May mắn hơn gia đình chị Nguyên, nhiều cán bộ, công nhân, viên chức, người thu nhập thấp đã làm thủ tục mua dự án nhà ở xã hội tại Tân Bình Apartment (số 32 Hoàng Bật Đạt, quận Tân Bình) nhưng đã 5 năm vẫn chưa có nhà ở. Phần lớn trong số họ đi vay tiền và đã đóng tới 95% giá căn hộ mà đến nay dự án vẫn dở dang. Trước đó, chủ đầu tư (Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Tân Bình) cam kết bàn giao nhà vào năm 2016, nhưng vì trong quá trình thi công đã xây “lụi” thêm 2 tầng, chuyển đổi 88 căn hộ thương mại sang nhà ở xã hội và tăng thêm gần 30 căn hộ so với thiết kế ban đầu, nên bị cơ quan chức năng phát hiện “tuýt còi”.
Cần có lãi suất phù hợp
Theo Sở Xây dựng TPHCM, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 476.000 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với cha mẹ, người thân (chiếm tỷ lệ 23,46% tổng số hộ). Đa số trong các nhóm đối tượng đều chọn phương thức thuê mua nhà ở xã hội, chiếm tỷ lệ từ 65%-94%. Tuy nhiên, điều băn khoăn nhất của nhiều người là làm sao tiếp cận được nguồn vay có mức lãi suất phù hợp, chứ bản thân và gia đình khó có đủ tiền khi “thời giá” nhà ở ngày một tăng cao.
Theo Luật sư Đào Xuân Sơn (Đoàn luật sư TPHCM), năm 2020, Ngân hàng Nhà nước áp dụng mức lãi suất của các ngân hàng thương mại cho người vay mua nhà ở xã hội là 5% (cao hơn mức 4,8%/năm vào năm 2019). Mặc dù mức lãi suất này không vượt quá khung quy định tại Quyết định 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhưng đây vẫn là mức tương đối cao so với người thu nhập thấp.
Về dài hạn, Nhà nước nên thực hiện mức lãi suất ưu đãi đối với người mua nhà ở xã hội từ 3%-3,5% hoặc từ 4% trở xuống, để tạo điều kiện tốt hơn đối với những người có thu nhập thấp tại đô thị có nhu cầu về nhà ở. Mặt khác, vừa qua Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 2195/QĐ-NHNN quy định mức lãi suất cho vay ưu đãi của tổ chức tín dụng, được chỉ định đối với khách hàng vay vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mua, bán là 4,8%/năm; mức lãi suất cho vay ưu đãi đối với khách vay vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê là 4,3%/năm.
“Những mức lãi suất này cần kéo xuống nữa mới khuyến khích doanh nghiệp bất động sản tham gia xây dựng nhà ở xã hội, đồng thời góp phần kích cầu thị trường”, Luật sư Đào Xuân Sơn kiến nghị.
Hiện TPHCM đang thi công 5 dự án nhà ở xã hội với quy mô 4.758 căn hộ (dự kiến hoàn thành trong quý 1-2021), nhưng theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM có đến 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016-2020. TPHCM cũng đang tiếp tục có kế hoạch xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với tổng số 44.701 căn hộ. Tuy nhiên, nhằm giảm áp lực nhu cầu nhà ở của người dân, nhất là người có thu nhập thấp đô thị (chiếm hơn 50% dân số, bao gồm cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, công nhân, người nhập cư), theo các chuyên gia kinh tế, TPHCM cần có chính sách thiết thực hơn để tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu mua nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội, nhà cho thuê giá rẻ, nhất là loại căn hộ có 1 đến 2 phòng ngủ, giá bán khoảng 1 tỷ đồng trở xuống và được trả góp tối thiểu 15 năm.
DiaOcOnline.vn – Theo SGGP