Bất chấp dịch COVID-19 khiến kinh tế khó khăn, nhiều ngành nghề điêu đứng trong năm 2020, giá nhà đất vẫn tăng vọt.
Dự kiến quý IV-2020 mặt bằng giá bất động sản (BĐS) vẫn trên đà tăng. Giá chào bán các tài sản bao gồm nhà, đất và chung cư vẫn không có dấu hiệu giảm nhiệt, mức tăng giá BĐS liền thổ vẫn đạt 20%-36% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng căn hộ tiếp tục thiết lập mặt bằng giá mới ở cả khu trung tâm lẫn vùng ven TP.HCM.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, cho biết kể từ năm 2015 đến nay, thị trường BĐS Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, khoảng hai năm trở lại đây, không khó để nhận ra một thực tế là thị trường xuất hiện tình trạng lệch pha cung cầu.
Tại TP.HCM, phân khúc nhà ở giá rẻ (dưới 25 triệu đồng/m2) đã biến mất, còn tại Hà Nội tỉ trọng của phân khúc này chỉ khoảng 10%. Nghịch lý là nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu đầu tư lại tăng cao khiến giá BĐS không ngừng leo thang.
Góp ý về giải pháp để kéo giảm giá nhà, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho rằng phát triển nhà ở cần chuyển đổi mô hình nhà ở từ thấp tầng sang nhà ở cao tầng hiện đại. Khuyến khích bằng cơ chế và chính sách mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở, đặc biệt đối với nhà ở xã hội.
Mặt khác, phải chú trọng phát triển nhà ở dựa trên cơ sở chỉnh trang, cải tạo khu dân cư hiện hữu, xây dựng mới thay thế chung cư cũ, di dời nhà ở ven và trên kênh rạch. Thành phố bố trí vốn ngân sách phát triển nhà ở xã hội cho thuê đối với các đối tượng khó khăn, tăng tỉ trọng nhà ở cho thuê. Ngoài ra, từng bước đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các huyện ngoại thành để tạo lập quỹ đất và thu hút đầu tư phát triển dự án nhà ở tại đây.
Ở góc khác, ông Bùi Khắc Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai, cho rằng các công ty xây dựng nên áp dụng công nghệ vào quá trình xây dựng để giảm giá nhà. Việc áp dụng công nghệ và vật liệu mới còn gặp rào cản do hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức dự toán công trình còn thiếu, chưa đồng bộ nên gây khó khăn cho việc áp dụng.
“Việc áp dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực xây dựng đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, góp phần rút ngắn tiến độ, nâng cao chất lượng và giảm giá thành công trình” - ông Sơn nói.
DiaOcOnline.vn – Theo PLO