Top

Thị trấn Cờ Đỏ, Cần Thơ: Dân khổ vì quy hoạch treo

Cập nhật 21/05/2009 10:05

Quy hoạch chi tiết khu trung tâm huyện được duyệt từ cái thời huyện đó chưa ra đời. Suốt 11 năm người dân khổ vì quy hoạch treo.

Ngày 9-10-1998, phó chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ (cũ) là ông Võ Văn Lũy ký Quyết định số 2677 phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 khu trung tâm thị trấn Cờ Đỏ thuộc huyện Ô Môn. Theo đó, khu trung tâm có diện tích 43 ha, bố trí đầy đủ vị trí các cơ quan, đoàn thể của huyện.

“Tầm nhìn xa”

Tuy nhiên, lúc này cái tên huyện Cờ Đỏ còn nằm trong ý tưởng mà thôi. Mãi đến sáu năm sau, ngày 1-1-2004, tỉnh Cần Thơ (cũ) mới được chia tách thành tỉnh Hậu Giang và TP Cần Thơ. Và trong năm 2004, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 05 thành lập huyện Cờ Đỏ trên cơ sở tách một phần diện tích của huyện Ô Môn (cũ). Tuy nhiên, tất cả cơ quan hành chính của huyện mới Cờ Đỏ lại được đặt ngay tại thị trấn Thới Lai chứ không phải đặt tại thị trấn Cờ Đỏ theo Quy hoạch 2677 của lãnh đạo tỉnh Cần Thơ. Sau này, đến ngày 1-3-2009, TP Cần Thơ tổ chức lễ công bố Nghị định số 12/NĐ-CP về việc thành lập mới huyện Thới Lai trên cơ sở chia tách từ huyện Cờ Đỏ. Lúc này các cơ quan hành chính của huyện Cờ Đỏ mới thật sự nằm tại thị trấn Cờ Đỏ theo quy hoạch nằm im ỉm trên giấy cách đó 11 năm, không hề được triển khai xây dựng.

Trải qua nhiều lần chia tách đơn vị hành chính, hàng loạt thay đổi nhưng Quyết định 2677 vẫn còn hiệu lực. Điều đáng nói là khi trao đổi với chúng tôi, ngay cả lãnh đạo thị trấn Cờ Đỏ lẫn người dân không hề hay biết thông tin về quy hoạch. “11 năm qua chỉ nghe nói miệng với nhau là có quy hoạch. Lẽ ra chính quyền phải công bố, treo bảng quy hoạch công khai cho dân biết” - ông Võ Văn Kiệt, một người dân ở đây băn khoăn.

Theo ông Đinh Thanh Phú, Chánh Thanh tra huyện Cờ Đỏ, Sở Xây dựng TP Cần Thơ vừa có Công văn số 339 cho biết Quyết định quy hoạch số 2677 đến nay vẫn còn hiệu lực.

Dân khổ vì quy hoạch kéo dài

Nhiều năm qua, hàng chục hộ dân sống cặp tỉnh lộ 922 (thuộc ấp Thới Thuận) xây nhà ở trên đất ghi trong “giấy đỏ” là đất hai lúa. Nhà cửa xây san sát tám năm, song họ không được cấp “sổ đỏ” hay chuyển mục đích cho nhà đã xây trên đất ruộng. 24 hộ dân mua đất cất nhà ven lộ đang lo lắng vì miếng đất của họ chỉ một mình ông Trần Văn Bi đứng tên, họ sợ nếu tranh chấp xảy ra, họ không có chứng cứ gì trong tay cả.

Năm 2001, gia đình anh Trần Văn Phùng mua mảnh đất ven lộ, cất nhà ở tạm. Anh đi vay ngân hàng 150 triệu đồng cất lại nhà bán kiên cố ngay trên nền nhà cũ của mình. Khi xây dựng xong, anh bị chính quyền lập biên bản, buộc tháo dỡ, nếu không sẽ cưỡng chế. Anh bức xúc: “Lộ làm lại cao quá so với nhà cũ, tôi vay tiền sửa lại nhà, giờ đập bỏ tiền đâu trả nợ ngân hàng, rồi ở đâu? Dọc con đường này, cả chục hộ xây nhà tường, ngay cả nhà cạnh tôi nhưng lại buộc cưỡng chế đập dỡ bỏ có mình tôi. Nói thật lòng, tôi cam kết tháo dỡ như mọi người khác khi triển khai quy hoạch nhưng không ai quan tâm. Khổ quá!”.



Nhiều nhà xây như nhau nhưng nhà anh Phùng bị buộc phải đập bỏ.
Ảnh: Nguyên Vẹn.


Điều lạ lùng là trong nhiều năm qua, chính quyền địa phương luôn cho rằng do có quy hoạch nên không giải quyết cho các hộ dân thực hiện các thủ tục về luật đất đai. Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều hộ nằm ngay trong vùng quy hoạch này, cùng dãy nhà với dân vẫn được chính quyền cấp quyền sử dụng đất (QSDĐ), cho chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp thành đất thổ cư như hộ bà Lê Thị Dạ, Dư Công Bình. Chính quyền còn cấp QSDĐ, chuyển mục đích sử dụng từ đất lúa sang đất thổ cư cho một ngân hàng cổ phần tư nhân để xây dựng trụ sở ngay khu vực thể hiện trên bản đồ quy hoạch chi tiết là trụ sở của một cơ quan huyện (!?).

Lý giải cho cái sự bất hợp lý này, ông Đinh Thanh Phú, Chánh Thanh tra huyện Cờ Đỏ, cho rằng Quyết định 2677 còn hiệu lực thì địa phương căn cứ vào đó thực hiện. Còn việc ngân hàng được cấp QSDĐ, chuyển mục đích sử dụng, cấp phép xây dựng, đầu tư... thì địa phương không biêt, đó là việc do cấp trên.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP