Toàn TPHCM có 69 dự án “rùa” làm tăng vốn đầu tư lên gần 2.900 tỉ đồng, ngân sách bị lãng phí, còn người dân thì... lãnh đủ.
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) TPHCM, đến cuối năm 2008, TPHCM có 88 dự án thực hiện chậm tiến độ, trong đó có 69 dự án “rùa” làm tăng vốn đầu tư gần 2.900 tỉ đồng so với mức được duyệt ban đầu. Dự án thực hiện kéo dài không những gây lãng phí lớn cho ngân sách mà còn kéo theo hàng loạt hệ quả về phát triển kinh tế, xã hội.
Đi học, có vợ, có chồng... vẫn chưa thấy trường!
Trở lại khu đất nằm trên đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, nơi “đóng đô” của công trình xây Trường THPT Hiệp Bình. Hình ảnh đập vào mắt chúng tôi vẫn là hai dãy nhà chỉ mới xây phần khung nằm trơ trọi giữa đám đất xen lẫn cỏ dại, không có gì khác so với cách đây 6 năm khi công trình được khởi công (năm 2004). Khác chăng là lớp xi măng của những bức tường đã ngả sang màu đen do phải phơi nắng mưa. Gặp chúng tôi, ông Trần Văn Cư, bảo vệ của công trình, than phiền: “Chủ thầu xây hai dãy nhà được 3, 4 tháng rồi, đến nay không thấy động tĩnh gì. Lâu lâu thấy có người xuống chỉ đạo gì đó nhưng đến nay vẫn im re!”.
Trường THPT Hiệp Bình là ngôi trường cấp 3 được TP đầu tư xây dựng để giải quyết nhu cầu học tập cho các em cư ngụ ở phường Hiệp Bình Phước, Linh Trung, Linh Xuân... Thế nhưng, với sự tắc trách của chủ đầu tư và đơn vị thi công, ngôi trường mới chưa biết bao giờ mới xong. Trong khi đó, trước áp lực giải quyết chỗ học cho học sinh cấp 3, từ năm 2005 đến nay, Phòng Giáo dục quận Thủ Đức phải mượn tạm cơ sở của một trường cấp 1 để bố trí chỗ học cho 32 lớp học của Trường THPT Hiệp Bình.
“Nhân chứng” của dự án “rùa” này là ông Huỳnh Công Hùng, hiện là Phó Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TPHCM. “Khi tôi còn làm phó chủ tịch UBND quận Thủ Đức, TP đã có chủ trương cho phép đầu tư xây dựng ngôi trường này nhưng đến nay đã gần 10 năm, ngôi trường vẫn chưa thành hình. Có những em từng học trường cấp 2 Hiệp Bình Phước, rồi học cấp 3 ở nơi khác, vào đại học và ra trường có vợ, có chồng, đến khi quay lại vẫn chưa nhìn thấy... trường cấp 3 Hiệp Bình đâu!”- ông Hùng chua xót.
Theo Sở KH-ĐT, Trường THPT Hiệp Bình do Ban Quản lý dự án quận Thủ Đức làm chủ đầu tư. Công trình nằm trên khu đất rộng 10.000 m2 với quy mô 36 phòng học và khối phụ. Vốn đầu tư ban đầu cho ngôi trường này được duyệt là 23,7 tỉ đồng, nhưng do làm ì ạch, đến nay vốn đã “đội” lên hơn 56 tỉ đồng. Theo chủ đầu tư, sự chậm trễ là do giá vật tư tăng, nhà thầu thi công... chào thua, hiện chủ đầu tư đang tổ chức đấu thầu lại để tiếp tục công trình.
Từ 72 tỉ đồng “vọt” lên 549 tỉ đồng
Tuy nhiên, dự án sử dụng vốn ngân sách có mức đầu tư thay đổi “chóng mặt” phải kể đến dự án sửa chữa, nâng cấp Tỉnh lộ 9 (huyện Củ Chi- TPHCM), dài hơn 6 km, là tuyến đường huyết mạch nối tỉnh Bình Dương, qua quận 12 đi vào trung tâm TP.
Tại buổi giám sát mới đây, nhiều thành viên trong đoàn giám sát của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP phải sửng sốt khi nghe Khu Quản lý Giao thông đô thị số 3 (Khu 3) báo cáo: Vốn đầu tư của dự án này đã tăng 7,5 lần so với vốn duyệt ban đầu. Theo Khu 3, năm 2004, dự án được TP duyệt với mức vốn đầu tư là 72,65 tỉ đồng, chủ đầu tư lúc này là Ban Quản lý dự án huyện Củ Chi. “Ôm” dự án được 3 năm, tháng 4-2007, chủ đầu tư “đầu hàng” và giao lại cho Khu 3. Sau khi tiếp nhận dự án, Khu 3 tính toán và xin điều chỉnh mức vốn đầu tư lên gần 549 tỉ đồng. Giải thích số tiền “nhảy vọt” này, ông Trần Văn Duy Tường, Phó Giám đốc Khu 3, cho biết ngoài việc điều chỉnh quy mô dự án, vốn đầu tư tăng lên còn do kinh phí đền bù giải tỏa. Bởi theo thiết kế ban đầu, chiều rộng đường là 12,5 m nay điều chỉnh thành 13,5 m; trước đây huyện Củ Chi cam kết dân sẽ hiến đất làm đường nhưng nay dân không đồng ý nên phải chi khoảng 198 tỉ đồng để đền bù giải tỏa. “Ngay từ đầu, dự án được lập không khả thi về biện pháp thi công cũng như thiết kế nên chủ đầu tư phải điều chỉnh dự án là cần thiết!”- ông Tường nhìn nhận.
Lãng phí, dân chịu thiệt!
Một thực trạng chung được các sở-ngành, quận-huyện thừa nhận là nhiều công trình thi công kéo dài 3-4 năm, thậm chí 7-8 năm, vốn đầu tư tăng nhiều lần, gây lãng phí không nhỏ cho ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, người dân - những người đáng ra được thụ hưởng - lại phải gánh chịu những tổn thất và thiệt hại khó kể hết từ sự chậm trễ của các dự án mà chưa có sự bù đắp. Điển hình cho thiệt thòi này là các học sinh đang theo học tại Trường THPT Hiệp Bình tạm và những học sinh ở độ tuổi vào cấp 3 của quận Thủ Đức. Cô Lê Thanh Bình, Hiệu phó Trường THPT Hiệp Bình, giãi bày: “Phải học nhờ cơ sở của một trường cấp 1 là thiệt thòi lớn cho giáo viên và học sinh. Chỉ có một sân chung nên phải bố trí cho các em tập thể dục ngay giờ học văn hóa là rất bất tiện. Các phòng chức năng lại quá thiếu nên không bảo đảm chất lượng học tập!”.
Với dự án sửa chữa, nâng cấp Tỉnh lộ 9, nếu suôn sẻ thì người dân đã được đi trên con đường khang trang, sạch sẽ. Thế nhưng đã gần 5 năm kể từ ngày dự án được phê duyệt, Tỉnh lộ 9 vẫn chỉ là con đường chật hẹp, nhếch nhác và thường xảy ra... tai nạn giao thông.
Đấu thầu: Phải sòng phẳng!
Theo ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TPHCM, phần nhiều dự án xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách TP chậm tiến độ vì phải điều chỉnh do khối lượng phát sinh hay giá vật tư thay đổi. Đây thường là nguyên nhân mà các nhà thầu đưa ra để viện lý do “tháo lui” hay kéo dài dự án. Vì vậy, khi tổ chức đấu thầu, TP cần phải thực hiện theo nguyên tắc “lời ăn lỗ chịu” thì mới sòng phẳng. Cơ chế đấu thầu đang áp dụng là chưa hợp lý, cứ nhà thầu đòi điều chỉnh là cho điều chỉnh.
“Trong đợt giám sát lần này, Ban Kinh tế-Ngân sách sẽ tập trung giám sát kỹ các dự án chậm trễ, làm tăng vốn điển hình. Từ đó rút ra những hạn chế cần khắc phục để báo cáo UBND TP trình Trung ương có sửa đổi cụ thể về các quy định liên quan đến thủ tục đấu thầu, thực hiện dự án”- ông Hoàng nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động