Top

Sắm nhà ở nước ngoài

Cập nhật 02/01/2008 17:00

Cơn sốt địa ốc nóng lên từng ngày. Đất nội thành, ngoại thành chưa đủ. Người ta bắt đầu phóng tầm đầu tư. Cách đây không lâu, trong một hội thảo về bất động sản tại TP.HCM, tôi nghe Huy Hoàng, một tay buôn bán bất động sản tỉ tê: “Sở hữu nhà ở Singapore, Úc với giá…Việt Nam, mỗi năm anh lãi 10 - 20%. Ngoài việc được trả góp trong 20 - 30 năm với lãi suất thấp, anh còn có thể trở thành công dân nước đó nếu có nhà…”.

Tôi chưa kịp lên tiếng, nhiều người xung quanh đã vội hỏi: “Mua thế nào?” “Ngon không?...”Có thể thấy xu hướng đầu tư bất động sản ngoài biên giới đang nóng lên.

Giá nhà đất ở Việt Nam biến động theo chiều hướng leo thang khiến nhiều nhà đầu tư e ngại. Trong khi chỉ với 4 – 6 tỷ đồng, người ta có thể sở hữu một căn nhà ở trời Tây.

Điều này như gãi đúng chỗ ngứa của không ít người mơ ước sở hữu bất động sản hoặc muốn định cư ở nước ngoài.

Đầu tư bất động sản ra ngoài biên giới

“Đầu tư nhà đất ở Việt Nam bây giờ chua lắm. Phải nhiều tiền mới có lãi, nếu ít chỉ nằm chờ thời. Đó là chưa kể ngày càng nhiều quy định ra đời. Trong khi đó với số tiền ấy, mình có thể kiếm căn hộ ở nước ngoài. Vừa làm chủ, vừa được hưởng lợi từ nước sở tại, còn gì bằng”, đó là câu trả lời chung cho những người có ý định đầu tư địa ốc ở nước ngoài.

Chính sách thông thoáng ở các nước như Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Úc…đã thu hút nhiều người đến làm ăn, sinh sống bằng các dự án Ngôi nhà của tôi hoặc bán nền đất. Có nơi chỉ cần thông qua luật sư, tám tiếng sau việc mua nhà đã hoàn tất. Người Việt cũng không bỏ lỡ cơ hội tốt này.

Theo thống kê, năm 2006 có 5000 người nước ngoài mua nhà ở Singapore. Trong đó có hàng trăm người Việt Nam. Theo quy định, người nước ngoài học tập, sinh sống, làm việc ở Singapore 2 – 3 năm trở lên được mua tất cả các loại nhà.

Nắm bắt cơ hội ngàn vàng, chị Quách Hồng Sương, ngụ ở đường An Dương Vương, Q.5, TP.HCM, cho con gái lớn du học tại Singapore. Bằng nhiều hình thức chuyển tiền, sau 3 năm, chị mua được căn hộ bình dân, diện tích khoảng 100 m2 với giá 600.000 đô la Singapore (khoảng 6 tỷ đồng).

Chị cho biết: “Trước khi mua, tôi sang tận nơi để tìm hiểu. Điều hấp dẫn nhất là người mua chỉ phải trả trước 30%. Phần còn lại được vay trả góp qua ngân hàng với lãi suất ưu đãi 0,3-0,4 %”.

Ngoài ra, có rất nhiều lý do để sở hữu căn nhà ở xứ người như con du học, gia đình chuyển chỗ ở…Thế nhưng điều này có thật sự dễ ăn như nhiều người vẫn nghĩ?

Sơ sẩy một chút, mất tiền ngay
 
Hiện nay để tìm hiểu về bất động sản nước ngoài, người mua chủ yếu thông qua người thân ở nước ngoài. Mọi thứ đều dựa trên sự tin tưởng. Khi rủi ro xảy ra không ai bảo vệ họ.

Ông Phạm Văn Thủ, tiểu thương ở chợ Bình Tây, Q.5, TP.HCM, có ý định mua nhà ở Mỹ cho con đi du học. Không chỉ thế, ông còn hy vọng có thể qua lại nước Mỹ dễ dàng hơn khi có nhà bên đó. Ông nhờ Phạm Thành Trung, người em họ, giới thiệu căn hộ trị giá 300.000USD. Vì không là công dân Mỹ nên ông phải trả 100% giá trị tài sản khi mua. Bán căn nhà ở đường Lê Văn Sỹ, quận 3, TP.HCM, và vay mượn khắp nơi, ông Thủ chuyển tiền dần cho người em. Ông dự định sau 2 năm sẽ đủ tiền mua.

Gần 2 năm trời ông tích góp tiền chuyển ra nước ngoài. Thế nhưng đến khi ông ngỏ ý gửi con sang du học, Trung trả lời tỉnh bơ: “ Số tiền anh nhỏ giọt, không làm được gì nên tôi mượn để kinh doanh nhà hàng. Cháu qua đây ở tạm nhà tôi, khỏi trả tiền thuê. Khi nào làm ăn có lãi, tôi trả”.

Kết quả, cả gia đình ông Thủ phải chen chúc trong căn hộ thuê 24m2, hy vọng việc kinh doanh của cậu em họ suôn sẻ.

Hiện nay, có rất ít văn phòng đại diện công ty môi giới nước ngoài tại Việt Nam.Vì vậy, ngoài việc giao dịch thông qua người thân, nhà đầu tư còn tìm hiểu trên mạng qua website của các dịch vụ môi giới. Chỉ cần vào google, gõ từ khóa có liên quan đến việc mua nhà ở nước ngoài, chúng ta có thể nhận được lời mời chào của hàng trăm công ty môi giới tại nước cần mua.

Tuy nhiên, theo chị Nina Ngân Hà, Quản lý phát triển Kinh doanh Công ty Green and Spiegel Việt Nam (công ty về Luật định cư và quốc tịch lớn nhất Canada), lầu 4, 2 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội: “Có thể có công ty môi giới không tốt trên mạng. Vì thế, sau khi chọn công ty nào đó, bạn nên tìm hiểu lịch sử hoạt động của họ và nhờ người thân ở nước sở tại kiểm tra…”.

Cuối cùng, không ít người thất vọng khi mua nhà ở nước ngoài. Nguyên nhân chỉ vì thiếu hiểu biết. Chẳng hạn nhiều người lầm tưởng nếu mua nhà tại Úc sẽ được định cư ở đây.

Theo Bộ nhập cư và Quốc tịch Úc (DIAC), điều kiện để nhập quốc tịch nước này là người thường trú (permanent residents) có ít nhất 2 năm sinh sống ở Úc trong năm gần đây. Trong 2 năm cuối, họ phải ở ít nhất 12 tháng; nói và hiểu tiếng Anh cơ bản

 Chuyển tiền đầu tư, không phải chuyện dễ

Một vấn đề mà cả người mua, người bán lẫn người môi giới đều rất lúng túng là việc chi trả. Hiện tại, Pháp Luật Việt Nam chưa có quy định rõ ràng cho phép cá nhân chuyển tiền ra nước ngoài để mua bất động sản.

Theo một chuyên gia về ngọai hối, hiện nay có nhiều hình thức chuyển tiền ra nước ngoài như du học, chữa bệnh, trợ cấp, thừa kế…nhưng có giới hạn tùy theo mục đích sử dụng. Trong khi đó, tại đa số các nước, nếu không phải công dân nước đó, bạn không được quyền trả góp hoặc trợ giúp mà phải thanh toán hết 100%.

Sau khi nhờ người thân mua nhà tại Úc, chị Lê Thị Yến Trang, ngụ tại Q.7, TP.HCM, phải chuyển tiền dần bằng hình thức đi chữa bệnh. Theo quy định quản lý ngoại hối, chị chỉ được mang 100% dự toán viện phí và tối đa 10.000 USD/lần cho sinh hoạt phí.Trong khi đó, căn nhà trị giá 350.000 USD.

Để thúc tiến nhanh thủ tục, chị phải kê khai bệnh ung thư để nâng số tiền dự toán viện phí. Hai năm liền, chị đi chữa bệnh không biết bao nhiêu lần mới thanh toán xong tiền mua nhà.

Còn anh Trần Minh Tuyến, 45 tuổi, chủ cửa hàng xe máy trên đường Lê Văn Sỹ, Q.3, TP.HCM, lại lập di chúc để chuyển tiền ra nước ngoài cho người em. Đây cũng là cách hợp thức hóa việc chuyển tiền.

Ngoài ra, nhiều công ty môi giới hiến kế vận chuyển qua những chuyến du lịch, thân nhân, vay ở nước ngoài, trả ở Việt Nam…Tuy nhiên, nhìn chung những hình thức vận chuyển, thanh toán này đều có mức độ rủi ro khá cao.

Có thể thấy đa số hình thức đầu tư ra nước ngoài hiện nay chưa rõ ràng. Trong khi đó, những giải pháp lách luật rất khó được phía chính phủ nước ngoài chấp nhận. Họ rất chú ý đến nguồn gốc số tiền. Chỉ tiền sạch mới được thanh toán. Tiền lậu nếu bị phát hiện, bạn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Đầu tư cần tỉnh táo, hiểu biết và hợp pháp

Dù với lý do mở rộng đầu tư, an sinh hay ổn định cho tương lai con cái, bạn phải luôn cẩn thận khi đổ tiền ra nước ngoài. Trường hợp thông tin và căn nhà chỉ tồn tại trên giấy, qua mạng Internet hoặc lời ai đó, càng cần phải thận trọng.

Theo chị Nina Ngân Hà: “Mua nhà ở nước ngoài không khó và sẽ luôn được bảo đảm và an toàn nếu bạn đi đúng cách, hợp pháp…”

Đừng vì ham lợi mà đi tắt về ngang để rồi cuối cùng tiền ở Tây không về …Nguyên tắc không thừa là luôn cân nhắc, thận trọng khi đầu tư.


Theo Tiếp thị &Gia Đình