Top

Nhiều khoản tín dụng bị thu hẹp

Cập nhật 21/02/2008 09:00

Cùng với việc tăng lãi suất để thu hút vốn, nhiều ngân hàng thương mại bắt đầu áp dụng cắt giảm các khoản cho vay, đặc biệt là cho vay nhà đất

Đến hôm qua, 20-2, hầu hết các ngân hàng (NH) đã biết lượng tín phiếu được phân bổ mua trong số 20.300 tỉ đồng tín phiếu bắt buộc do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát hành, nhằm thu bớt tiền VNĐ trong lưu thông để góp phần kiềm chế lạm phát. Hiện nhiều NH đang gấp rút chuẩn bị nguồn tiền để mua hết số tín phiếu này (thời hạn là ngày 17-3).

Ngoại trừ 5 NH lớn đã nhận lãnh mỗi đơn vị 3.000 tỉ đồng, số còn lại trong 41 NH thuộc diện bắt buộc phải mua “chia nhau” 5.300 tỉ đồng còn lại. Trong số các NH cổ phần, NH Á Châu (ACB) đảm nhận mức lớn nhất 1.500 tỉ đồng. Các NH “bậc trung” gánh 500 tỉ đồng mỗi NH...

Thực ra, số tiền trên không phải là quá lớn đối với các NH thương mại, nhưng trong điều kiện nguồn tiền đồng vốn đang khó khăn thì việc phải “tìm” thêm nguồn tiền để mua tín phiếu là khá gay go. Lãnh đạo một NH cho biết với mức được phân bổ 500 tỉ đồng, dù không lớn nhưng cũng tương đương với mức tăng trưởng huy động vốn hơn cả tháng của một NH bậc trung...

Trước đó, hàng loạt biện pháp mạnh của NHNN như tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc - mở rộng loại tiền phải dự trữ bắt buộc, tăng lãi suất cơ bản... đã khiến các NH thương mại bị đẩy vào cuộc đua tăng lãi suất rất “nóng”. Lần này, cuộc đua lãi suất càng trở nên rầm rộ bởi với nhiều NH, nhất là các NH có tính thanh khoản chưa cao, tăng huy động vốn mới hy vọng hoàn thành nhiệm vụ do NHNN giao.

Nhiều NH chưa muốn tăng lãi suất nay cũng phải nhập cuộc. “Thị trường cạnh tranh, NH phải tăng lãi suất để giữ khách và tranh thủ huy động nguồn vốn nhàn rỗi, trang trải phần nào khoản thiếu hụt tiền mặt” - lãnh đạo một NH giải thích.

Cùng với cuộc đua tăng lãi suất, nhiều NH thương mại bắt đầu áp dụng cắt giảm các khoản cho vay. Chiều 20-2, ông Phạm Văn Thiệt, Tổng Giám đốc NH Xuất nhập khẩu VN (Eximbank), cho biết Eximbank bắt đầu hạn chế cho vay khách hàng mới; ngưng cho vay nhà đất và chứng khoán.

Trước đó, ngày 18-2, NH Ngoài quốc doanh (VP Bank) cũng đã ngưng cho vay mới đối với bất động sản... Hiện nay, nhiều NH dù chưa tuyên bố hạn chế cho vay hoặc tạm ngưng cho vay các khoản tín dụng, nhưng theo phản ánh của nhiều khách hàng, vay vốn NH hiện rất khó khăn (nếu không phải là khách hàng chiến lược). Nhiều NH vẫn nhận hồ sơ vay vốn nhưng chưa trả lời thời điểm cho vay...

Trong các khoản cho vay bị cắt giảm, lĩnh vực cho vay bất động sản, đặc biệt là cho vay cá nhân mua nhà đất, đang được các NH chú ý nhất. Theo lãnh đạo nhiều NH, các khoản cho vay bất động sản thường lớn, NHNN cũng đã cảnh báo về rủi ro ở lĩnh vực này vì giá nhà đất ở nhiều đô thị, nhất là TPHCM và Hà Nội đã bị đẩy lên quá cao, đối tượng khách hàng vay vốn NH để mua đi bán lại nhà đất cũng không ít.

Chiều 20-2, phó tổng giám ACB, ông Nguyễn Thanh Toại, cho biết NH này cũng bắt đầu thu hẹp các khoản cho vay bất động sản. Cụ thể, cắt hẳn những trường hợp vay vốn mua nhà đất mà kế hoạch trả nợ là bằng nguồn tiền bán nhà đất, còn cho vay chứng khoán đã ngưng từ trước đó. Theo ông Toại, khoản mua tín phiếu 1.500 tỉ đồng không hẳn là áp lực với ACB nhưng nguy cơ rủi ro từ cho vay nhà đất là không thể xem thường nên nhân dịp này NH siết bớt lại...

Để bảo đảm lượng tiền mặt lưu kho thực hiện việc mua tín phiếu bắt buộc, biện pháp phổ biến các NH hiện đang áp dụng là cắt giảm cho vay, tích cực huy động vốn. Không thoái thác nhiệm vụ (đương nhiên), nhưng nhiều NH đang lo lắng về thời điểm bắt buộc đã gần kề và mong muốn được gia hạn thêm thời gian.

Ông Trần Phương Bình, Tổng Giám đốc NH Đông Á, nói: Thời hạn mua tín phiếu bắt buộc do NHNN đưa ra quá gấp rút (trong vòng một tháng) gây khó khăn chung cho các NH trong điều kiện thiếu hụt tiền mặt hiện nay. Các NH đều phải chạy đôn chạy đáo kiếm tiền mua tín phiếu.

Ông Lê Hoàng Châu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM:

Không nên siết cho vay bất động sản đối với người tiêu dùng

Việc siết cho vay bất động sản, Nhà nước phải trừ hai đối tượng là chủ đầu tư dự án và người tiêu dùng. Bởi vì chủ đầu tư dự án là người tạo nguồn cung ra thị trường, nếu gặp khó khăn trong việc huy động tài chính sẽ khiến nhà đầu tư bỏ cuộc, gây khan hiếm nguồn cung. Xin nhớ là hiện nay một nguyên nhân chính khiến nhà đất sốt nóng cũng do khan hiếm hàng hóa mà ra. Còn đối với người tiêu dùng, họ thật sự có nhu cầu về nhà ở, và đây chính là đầu ra cho hàng hóa bất động sản. Nếu không cho họ vay mua nhà, thì các bất động sản đã được xây dựng làm sao bán ra?

Về ngắn hạn, việc siết chặt chính sách tiền tệ sẽ khiến giá nhà đất tăng mạnh bởi nhà đầu tư phải chịu thêm một loại chi phí là chi phí lãi vay tăng.


Theo Người Lao Động