Top

Nhân lực ngành bất động sản thiếu và chưa chuyên nghiệp

Cập nhật 21/10/2008 15:00

Để được tiếp tục hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS) theo NĐ 153/2007/NĐ - CP ngày 15.10.2007 có hiệu lực từ ngày 1.1.2009, các phòng giao dịch nhà đất hiện nay muốn tiếp tục hoạt động phải chuyển lên thành sàn giao dịch, phải có ít nhất một người có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS.

Nắm bắt được nhu cầu nhân lực về lĩnh vực môi giới BĐS của các văn phòng mua bán nhà đất sau thời điểm pháp luật có hiệu lực, các trường đại học, học viện kinh tế và ngay cả những DN kinh doanh trong lĩnh vực BĐS cũng mở trường đào tạo và cấp chứng chỉ về lĩnh vực môi giới, quản lý sàn BĐS.

Hiện nay, nhân lực ngành này không thiếu, nhưng chất lượng chưa đảm bảo. Bà Võ Thị Diệu Hiền - GĐ Sàn giao dịch BĐS Sacomreal - S - nói: "Hầu hết các sàn giao dịch BĐS đều không gặp khó khăn về nhân sự (NS) vì các DN đã có thời gian dài đề sắp xếp và đào tạo trước khi pháp luật quy định về sàn giao dịch BĐS có hiệu lực".

Nhân lực hoạt động trong lĩnh vực KD BĐS có vai trò rất quan trọng đến sự thành công hay thất bại của DN. Theo bà Diệu Hiền, để chuyên nghiệp hóa đội ngũ nhân viên của mình, Sacomreal - S ngay từ khi thành lập đã thường xuyên gửi người đi học và tự đào tạo các khóa về KD BĐS, môi giới BĐS, thẩm định giá...

Hiện nay, 100% nhân viên đều đã có chứng chỉ hành nghề. Ngoài ra, NV của DN còn thường xuyên được dự những buổi hội thảo, hội nghị về Luật Đất đai và BĐS.

Đại diện sàn giao dịch ACBR cho biết, sàn giao dịch được chuyển đổi từ trung tâm giao dịch nhà đất, để đảm bảo nhân sự có đủ trình độ chuyên môn đáp ứng được nhu cầu KD mở rộng.

DN đã kết hợp với Đại học Nông - Lâm, ĐH Marketing, Viện Quản trị doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo các khóa về KD môi giới BĐS... Đến nay, hầu hết nhân viên phòng KD đã có chứng chỉ hành nghề và những kiến thức liên quan đến lĩnh vực BĐS.

Khác với những sàn giao dịch lớn, các văn phòng giao dịch nhỏ chưa chuẩn bị kịp. Chủ văn phòng môi giới nhà đất Ngọc Hậu nằm trên đường Lê Văn Lương Q.7, cho biết : "Khi chuyển đổi từ văn phòng sang sàn giao dịch cho đúng với pháp luật không phải chỉ thiếu về nhân sự có chứng chỉ hành nghề, mà còn phải chuẩn bị hàng loạt những vấn đề khác như: Tài chính, mặt bằng... Trong thời điểm thị trường nhà đất đang trầm lắng nếu thực hiện đúng với pháp luật thì chắc văn phòng sẽ tạm nghỉ một thời gian. Khi có đủ tài chính, nhân lực và thời điểm thuận lợi sẽ tiếp tục hoạt động trở lại".

Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn hoạt động tiếp phải có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS. Ông Phạm Minh Tiến - chủ của một văn phòng môi giới nhà đất có trụ sở đặt tại huyện Nhà Bè - cho rằng, ông chưa nghe, nhưng nếu pháp luật quy định thì phải tuân theo. Trước mắt, ông sẽ tìm người thuê chứng chỉ.

Bộ Xây dựng vừa có văn bản hướng các sở XD về việc cấp chứng chỉ môi giới BĐS. Theo đó, khi xét cấp chứng chỉ môi giới BĐS cho các cá nhân không cần phụ thuộc vào trình độ học vấn của người xin cấp chứng chỉ vì Luật Kinh doanh BĐS và Nghị định 153/2007 của Chính phủ không bắt buộc.

Riêng nghề định giá BĐS, theo quy định của pháp luật, các cá nhân có trình độ từ trung cấp trở xuống sẽ không được cấp chứng chỉ.


>“Nóng” đào tạo nhân lực bất động sản


DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động