Top

Nhà ở cho trí thức trẻ, chưa vào "tầm ngắm"

Cập nhật 10/04/2008 13:00

Lớp trẻ ngày càng giỏi giang, nhiều thanh niên có trình độ với những tấm bằng thạc sỹ, tiến sỹ, điều mà cách đây khoảng chục năm phải là những người "tứ tuần" trở lên mới đạt được.

Trí thức trẻ đang là đối tượng khách hàng tiềm năng của nhiều ngành sản xuất, dịch vụ. Nhưng thực tế, không ít trí thức trẻ ra đường với bộ cánh bảnh bao, điện thoại, laptop xịn kè kè bên người, nhưng vẫn chật vật vì chốn an cư.

Không chỉ những trí thức trẻ ở nơi khác về các thành phố lớn như HN, TP. HCM làm việc mới cần một căn hộ cho riêng mình. Với phong cách sống hiện đại, công việc quá bận rộn, nhiều người có gia đình ở thành phố song vẫn muốn có một chốn riêng cho mình. Thuê nhà - đang là phương thức phổ biến. Nhưng với những trí thức trẻ, những người có thu nhập ổn định và ở mức khá, kiếm được một nơi ở hài lòng gần như là điều không tưởng.

Thuê nguyên một căn hộ tại các khu đô thị mới thì rộng rãi đến mức không cần thiết, giá thuê cao. Thuê nhà dân trong các khu phố thì phiền hà, va chạm với chủ nhà, rồi môi trường sống không được như ý… Mua nhà để ở thì sao? Với mức giá như hiện nay, ở HN, một căn hộ tầm tầm, vị trí xa trung tâm TP hay nhà của những khu xây dựng để phục vụ tái định cư cũng phải 600 triệu trở lên. Nếu không có sự hỗ trợ của "phụ huynh" thì việc dành dụm để mua được một căn nhà sẽ phải kéo dài vài chục năm.

Khó khăn về nhà ở tạo ra không ít vấn đề cho những cư dân trẻ của các đô thị lớn. Rõ ràng, với những trí thức trẻ, môi trường công việc, điều kiện tiếp cận với thế giới xung quanh, khiến cho họ có nhiều đắn đo, ngần ngại hơn và cũng có những mong muốn cao hơn về điều kiện sống cho tổ ấm của mình, đặc biệt là cho con cái. Vì thế họ không dám (không muốn) lập gia đình khi chưa có nhà. Lập gia đình rồi lại không dám (không muốn) có con ngay.

Với những trí thức trẻ, một căn nhà như thế nào là phù hợp? Ở một số nước châu Á và các nước phát triển như Mỹ, mô hình chung cư dành cho người độc thân, cho các gia đình trẻ không còn xa lạ. Các căn hộ này có diện tích "xinh xắn", chỉ từ 18 - trên 20m2, diện tích phụ khoảng 3m2, bếp chung cho nhiều phòng.

Không chỉ khiêm tốn về diện tích, mô hình nhà ở này còn được cung cấp với phương thức thuê, mua linh hoạt. Chưa đủ điều kiện, người có nhu cầu có thể thuê rồi dành dụm tiền để mua khi có thể. Với mô hình nhà ở này, chủ đầu tư xây dựng có thể tiếp tục kinh doanh một cách có hiệu quả với việc tổ chức dịch vụ quản lý, vận hành, cho thuê. Khi chủ nhân có đủ khả năng tài chính, người ta có thể bán căn hộ nhỏ để mua căn hộ lớn hơn.

Xem ra mô hình nhà ở nêu trên khá thuyết phục, phù hợp với giới trí thức trẻ của VN. Tuy nhiên, ngoài trừ một doanh nghiệp của TP. HCM mạnh dạn với đề xuất xây dựng 10.000 căn hộ chung cư cho trí thức trẻ, còn hầu hết doanh nghiệp kinh doanh bất động sản còn rất thờ ơ. Với cơ quan quản lý, mô hình này còn chưa được tính đến, quy chuẩn hiện hành vẫn quy định diện tích một căn hộ chung cư không được quá 40m2.

Theo Kinh Tế Đô Thị