Sập đổ nhà là điều không ai mong muốn. Nhưng hãy thử đặt giả thiết: Nếu một chung cư cũ nát, nguy hiểm sập xuống trong khi vẫn chưa "sơ tán" được hết dân - trách nhiệm cá nhân ai chịu?
Giả thiết này chắc chắn không thừa, nhất là với một địa bàn đang tồn tại hàng trăm nhà lắp ghép cũ nát, xập xệ - "tàn dư của thời bao cấp" như Thủ đô Hà Nội, mà tiến trình xử lý lại "chậm hơn rùa bò"!
Hơn 2 năm kể từ khi Hội đồng nhân dân Thành phố ra Nghị quyết 07/2005/NQ-HĐND đôn đốc việc xã hội hóa cải tạo các chung cư cũ, xuống cấp và nhà nguy hiểm trên địa bàn - vẫn chưa một dự án "xã hội hóa" phá cũ, xây mới chung cư cũ nát, nguy hiểm nào tại Hà Nội khởi công!
"Nhanh nhất trong những anh chậm" là khu P3 Phương Liệt, sau một hồi nhùng nhằng bàn lên họp xuống đã kiên quyết di dân vào 2005, nhưng đến nay sau 2 năm mới chỉ qua giai đoạn thỏa thuận xong về tầng cao, mật độ xây dựng! "Anh" B4 - B14 Kim Liên tưởng "đánh được cả cụm" dịp tháng 7/2007 vừa rồi, linh đình làm lễ, cứ tưởng khởi công (người trong ngoài cuộc nói chung mừng rưng rưng), hóa ra chỉ là động thổ "lấy khí thế là chính"! Muốn khởi công - theo luật phải đủ điều kiện, mà dân chưa chịu chuyển, hai khối nhà vẫn sừng sững đấy... "khởi là khởi thế nào"?!
"Chú" B6 Giảng Võ- một trong các dự án thí điểm cải tạo xây dựng lại chung cư nguy hiểm trên địa bàn Hà Nội theo hướng xã hội hóa, với thâm niên 13 năm mất an toàn - gần 1 năm nay vẫn trong tình trạng "di dời khẩn cấp".
Những ngày này, các vấn đề liên quan đến nhà B6 vẫn đang tiếp tục được... họp! Cuộc họp của các tổ dân B6 Giảng Võ có sự tham dự của UBND phường Giảng Võ ngày 15/9/2007 vừa qua lại vẫn không thống nhất bầu ra được đại diện đầy đủ của dân vào Ban Chỉ đạo, chẳng hơn gì hàng loạt lần họp trước!
Dù trong Quyết định 883 Thành phố đã cho phép "Trường hợp các hộ dân không bầu chọn, đề cử được người đại diện thì Chủ tịch UBND quận Ba Đình chỉ định một số cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở làm đại diện tham gia Ban Chỉ đạo", song nhiều tháng ròng Quận này cũng không cương quyết chỉ định được ai, có lẽ vì chưa... họp!
Hy vọng, cuộc họp do Quận chủ trì vào 20/9 tới đây sẽ giải quyết được một vấn đề gì đó liên quan tính mạng, sự an cư của hàng trăm người dân B6 Giảng Võ (chấm dứt quá trình hơn 9 tháng qua không giải quyết được vấn đề gì!) và có thể giảm họp thời gian tới để tập trung vào hành động chính: di dời khẩn cấp các hộ dân. Cũng sau khi đọc bài "Chung cư sắp sập vẫn chờ... họp?!" trên Tuần Việt Nam, một nhà xã hội học nói với chúng tôi: "Ở nước mình thì không có chuyện giảm họp được đâu, vì ít ai muốn quyết và dám quyết một mình (dù đã được phân công, phân cấp rõ ràng)! Chỉ có họp mới giúp cho trách nhiệm dàn trải ra, tránh được trách nhiệm cá nhân khi chẳng may chuyện gì xảy tới. Thế nên đừng mong giảm họp mà chỉ nên mong các cuộc họp có chất lượng, đi đến được kết luận... là tốt lắm rồi"!
Thế nên, những nguy hiểm đã "có số có má" như B4 - B14 Kim Liên, B6 Giảng Võ... còn đang "ngồi chơi xơi nước" thì các "đàn em" với độ cũ nát, nguy hiểm chưa được xếp hạng, như: khu tập thể Nguyễn Công Trứ, Văn Chương, Thành Công... cứ gọi là "đợi đấy"!
Với tiến độ "rùa" này, giả thiết về sự sập đổ của một chung cư (như đã được cơ quan chuyên môn cảnh báo, các nhà lãnh đạo nhắc nhở, người dân lo sợ...) là hoàn toàn có cơ sở đặt ra. Tuần Việt Nam đã thử đi tìm câu trả lời cho chất vấn giả định: "Cá nhân lãnh đạo nào sẽ chịu trách nhiệm chính, nếu một chung cư cao tầng đổ sập?" và thời gian qua đã ghi nhận được nhiều ý kiến..
Chủ tịch UBND quận Đống Đa Trần Đức Học: "Trách nhiệm thuộc về Giám đốc các xí nghiệp quản lý nhà!"
Tôi đã trao đổi trực tiếp với cả Sở TN,MT&NĐ và Giám đốc Công ty Quản lý nhà Hà Nội, không biết trách nhiệm của ai? Quận Đống Đa có khoảng 200 chung cư cũ từ thời bao cấp để lại. Ví dụ, một nhà 5 tầng có 50 căn hộ thì Thành phố đã bán hết theo dạng "nhà 61", tức căn hộ đó đã là sở hữu tư nhân; diện tích hành lang, cầu thang cũng đã phân bổ cho các hộ!
Về lý mà nói, nhà đó thuộc sở hữu tư nhân của 50 hộ đó rồi. Thế nhưng bây giờ chất lượng cả khu nhà đó xuống cấp, thậm chí trong tình trạng nguy hiểm - ai là người chịu trách nhiệm sửa chữa hoặc đảm bảo an toàn cho khu nhà đó?
Người dân họ nói rất đúng: "Tôi chỉ mua diện tích nhà chứ làm sao sửa được móng, mái, khung?". Những chung cư mới thì có Ban quản lý, rồi người dân đóng góp vào đấy, có qui chế, nội qui nên trách nhiệm rõ...
Còn chung cư cũ đã "bán 61" thì hiện nay không ai quản lý cả! Theo "lý" thì việc này vẫn thuộc các xí nghiệp quản lý nhà phải chịu trách nhiệm, tức là anh bán căn hộ nhưng cái móng đó, cái khung đó chất lượng ra sao - anh vẫn phải chịu trách nhiệm quản lý.
Thế nhưng khi tôi hỏi họ thì họ bảo: "Chẳng có văn bản nào quy trách nhiệm đó cho xí nghiệp quản lý nhà cả!". Họ cho rằng đó là vấn đề "hậu 61", tức "hậu 61" rất nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề quản lý chất lượng các chung cư.
Nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu có lần tuyên bố trong cuộc họp Uỷ ban: "... cứ xảy ra sự cố với các nhà trên địa bàn quận là ông Chủ tịch Quận chịu trách nhiệm". Nhưng với tư cách là Chủ tịch Quận, tôi nghĩ rằng tôi không thể chịu trách nhiệm được! Bởi vì, nếu là nhà dân thì đã có chủ, khi tôi đi kiểm tra, thấy nhà anh nguy hiểm là tôi cưỡng chế anh ra khỏi nhà. Nhưng với cái nhà hàng trăm hộ dân thế kia, không hộ nào chịu trách nhiệm, lại bảo Quận chịu trách nhiệm thì Quận lấy người đâu, sức đâu để làm?
Tôi cho rằng, cần có một văn bản cấp Thành phố hoặc cấp Nhà nước giao cho Xí nghiệp quản lý nhà thuộc Sở TN,MT&NĐ chịu trách nhiệm về chất lượng của những chung cư! Nếu cứ nói: Cái gì xảy ra trên địa bàn quận thì UBND quận chịu trách nhiệm thì cũng đúng, nhưng phải tính đến cơ chế và khả năng của Quận nữa...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân: "Cái gì của chung, của công là trách nhiệm của chính quyền"
Những người quản lý đô thị phải nắm một nguyên tắc cơ bản về đặc điểm của đô thị mà Nghị quyết Trung ương V vừa qua đã đưa ra khái niệm: Chính quyền đô thị khác với chính quyền hành chính thông thường - ví dụ: Thành phố khác Tỉnh, Quận khác Huyện, Phường khác Xã...
Sắp tới, thậm chí còn thí điểm bỏ Hội đồng nhân dân cấp quận, phường - bởi lẽ đặc điểm của đô thị là tính cộng đồng, công cộng rất cao nên quyền sở hữu tư nhân bị hạn chế.
Chẳng hạn, với nhà chung cư, cho dù anh bỏ tiền ra mua mấy trăm triệu đồng một căn - nhưng sàn là của ai, trần là của ai? Anh có thể cầm búa gõ suốt ngày đêm xuống sàn được không? Anh có thể thích chọc thủng trần thì chọc được không? Thế rồi anh bảo cửa này của nhà anh - liệu anh có thể cứ để cửa nham nhở, sơn ố hết được không? Không được.
Ở các nước phát triển, cửa nhà anh mà nham nhở sẽ có người đến dán ngay một tờ giấy vào, bảo rằng: Ông bà phải sơn lại cửa, mà sơn đúng màu qui định này! Nếu không sơn, 3 ngày nữa chúng tôi sẽ sơn và ông bà phải trả tiền. Cây trong vườn nhà anh mà đã được đánh số rồi thì không có quyền chặt, chứ không phải "cây vườn tôi, tôi thích chặt thì chặt"! Đó là đặc điểm của đô thị.
Phàm những cái gì thuộc về công cộng là trách nhiệm của chính quyền. Đã là của cộng đồng thì ai thay mặt cho cộng đồng thực hành quyền đó? Là chính quyền.
Một khi Chủ tịch Thành phố bảo với Chủ tịch Quận rằng, tất cả những việc xảy ra trên địa bàn của anh thì anh phải chịu trách nhiệm cũng có nghĩa Chủ tịch Thành phố bảo rằng tất thảy những loại chuyện ấy thuộc thẩm quyền của anh! Trách nhiệm đi đôi với quyền hạn. Có thể trong luật pháp không ghi nhưng quyền của anh đến đâu thì gắn với trách nhiệm anh đến đấy!
Sở hữu căn hộ chung cư thì vẫn phải hiểu rằng những cái không thuộc sở hữu tư nhân nghĩa là công cộng, mà công cộng là việc của chính quyền. Còn chính quyền cụ thể là ai: Quận, Phường hay Xí nghiệp là do phân cấp thôi!
Nhà 50 hộ, xuống cấp sắp đổ đến nơi, chỉ còn 5, 7 hộ không chịu thì tất cả không đi - không có chuyện ấy được! Không muốn cũng vẫn phải đi, vì nhà đã xuống cấp rồi! Hai chung cư thí điểm ở Kim Liên, người dân phản ánh với tôi là Bí thư Chi bộ khu nhà không chịu đi - theo tôi thế là không được! Tầng 1 không bao giờ muốn đi vì lấn chiếm, buôn bán được. Phải tính chuyện cưỡng chế! Đô thị xuống cấp, xập xệ, lụp xụp - cải tạo là quyền qui hoạch của chính quyền. Công cộng là như vậy đấy!
Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng Trần Chủng: "Chính quyền đô thị phải có trách nhiệm"
Khi đã minh chứng được về mặt khoa học, kỹ thuật về độ nguy hiểm của các tòa nhà, Cục chúng tôi chỉ ra văn bản với tư cách quản lý về mặt chất lượng, còn Thành phố ra lệnh di dời, tháo dỡ. Sự không tuân thủ các quyết định của Thành phố phải xem lại vấn đề "sống và làm việc theo pháp luật" như thế nào!
Về trách nhiệm, Nghị định 209/2004/NĐ-CP ban hành ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng đã có điều 37 thuộc chương IX qui định về "Trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng" đã nói rất rõ: "Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh theo phân cấp có trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý".
Theo VietNamNet