Việc phát triển bền vững trong quá trình đô thị hóa là một nội dung bức thiết cần được các quốc gia đồng lòng xem xét giải quyết.
Một góc thủ đô Hà Nội(Nguồn Internet)
|
Nội dung này được các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ, bàn bạc tại Hội thảo “Pháp – Việt: Thành phố bền vững” vừa được tổ chức tại Hà Nội. Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Cục trưởng Cục phát triển đô thị Bộ Xây dựng cho biết, trong giai đoạn đô thị hóa từ 10-20 năm qua, Việt Nam có gần 600 đô thị vào năm 1998, đến nay cả nước đã có trên 770 đô thị và tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam so với các nước trong khu vực còn thấp (đạt 34%). Theo định hướng phát triển đô thị Việt Nam, từ nay đến năm 2025 số lượng đô thị trên cả nước sẽ đạt khoảng 1.000 đô thị, với mức tăng trung bình khoảng 20 đô thị/năm.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự phát triển của đô thị, đặc biệt là các thành phố lớn đang đặt ra những thách thức rất lớn đối với việc đô thị hóa nhanh, thiếu bền vững, phát triển đô thị nóng dẫn đến bùng nổ dân số thiếu hụt hạ tầng cơ sở, thiếu hụt năng lượng, tăng rác thải ô nhiễm biến đổi khí hậu. Các thành phố hiện đang tiêu thụ 75% nguồn năng lượng thế giới và sản sinh ra hơn 80% lượng phát thải nhà kính chủ yếu là Co2…, đây là việc mang tính toàn cầu.
“Đô thị hóa là vấn đề tất yếu, nhưng để đô thị hóa và phát triển bền vững cần phải cân bằng hài hòa giữa bảo tồn và phát triển mới, đồng thời cần tạo được các đô thị có bản sắc văn hóa địa phương, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, thích ứng nhanh với những thách thức về biến đổi khí hậu”, bà Trần Thị Lan Anh cho biết. Bên cạnh đó, để làm chủ và kiểm soát được tốc độ phát triển đô thị của hệ thống đô thị Việt Nam theo hướng bền vững, cần phải phát huy sự chủ động và nội lực bên trong, đồng thời cũng mong muốn có sự chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ, kỹ thuật của bạn bè quốc tế.
DiaOcOnline.vn - Theo Hải Quan