Khủng hoảng tài chính toàn cầu dự báo có thể làm dòng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam 2009 giảm hơn ba lần. Nhưng theo các chuyên gia, cơ hội thu hút vốn từ khủng hoảng dành cho Việt Nam vẫn mở.
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Phan Hữu Thắng nhận định, FDI vào Việt Nam năm 2009 có thể dừng ở 20 tỷ USD (năm 2008, nguồn vốn cam kết là 64 tỷ USD, giải ngân 11,5 tỷ USD). Tuy nhiên, mục tiêu Bộ đặt ra cho giải ngân FDI năm 2009 thậm chí vẫn cao hơn năm trước với con số dự kiến 11- 13 tỷ USD.
Chuyển hướng thu hút dòng vốn
Ở góc độ quan sát viên, ông Claudio Dordio, trưởng nhóm chuyên gia tư vấn Dự án Hỗ trợ thương mại đa biên giai đoạn III (MUTRAP III) của EU tại Việt Nam cho rằng, khó có thể đưa ra một kịch bản chính xác cho FDI vào Việt Nam năm 2009 khi mà nguồn tín dụng các nhà đầu tư thu xếp cho dự án FDI cũng khó định lượng.
“Nếu bi quan có thể dự báo vốn FDI vào Việt Nam 2009 sẽ giảm mạnh nhiều lần. Nhưng ở góc nhìn lạc quan, Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội nếu giữ được thế chủ động đối phó hiệu quả với tác động khủng hoảng”, ông Claudio Dordio nhận định. Theo chuyên gia kinh tế này, Việt Nam cần một chính sách thu hút FDI thích ứng linh hoạt.
Giáo sư Nguyễn Mại, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư phân tích, nhà đầu tư đến Việt Nam chắc chắn sẽ phải cân nhắc kỹ hơn, mất nhiều thời gian hơn để quyết định tiến hành dự án. Trong khi, các ngân hàng cũng không dễ đưa ra quyết định cho vay các dự án lớn. “Cần đổi hướng tiếp cận dòng vốn ở khu vực mới”, ông Mại khuyến cáo.
Hiện ngoài các nhà đầu tư truyền thống, theo ông Thắng, không ít nhà đầu tư từ Trung Đông rất quan tâm đến Việt Nam với những dự án FDI lớn. Đây chính là thời cơ mới cho Việt Nam trong hoàn cảnh phải đối phó với nhiều thách thức. Để tận dụng những nguồn đầu tư mới này, bù đắp cho các dự án FDI không có khả năng thực hiện, “Việt Nam cần có những hoạt động xúc tiến đầu tư, thẩm định cấp phép đầu tư thích ứng với đặc điểm và truyền thống của đối tác mới”, ông Thắng gợi ý.
Phải cùng nhà đầu tư vượt khó
Dù cơ hội cho nguồn vốn FDI đến Việt Nam vẫn mở, nhưng theo các chuyên gia, trong năm 2009, nhiều dự án đã được cấp phép có khả năng sẽ phải giãn tiến độ, thu hẹp quy mô hoặc không thực hiện được. Để giữ chân nhà đầu tư, Việt Nam phải tạo niềm tin bằng cơ chế ưu đãi, linh hoạt.
“Người tuyên truyền tốt nhất cho môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam chính là các nhà đầu tư đang đưa vốn vào Việt Nam. Chỉ bằng cách hỗ trợ họ khắc phục khó khăn mới có thể tạo niềm tin để thu hút dòng vốn năm 2009”, ông Mại nói.
Theo ông Claudio, công thức thu hút FDI năm 2009 thành công hay không phụ thuộc nhiều vào việc Việt Nam giành được bao nhiêu niềm tin nơi nhà đầu tư ngoại. Để làm được điều đó, theo chuyên gia này, ngoài việc tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư, Việt Nam cần giảm sự can thiệp của khu vực công vào nền kinh tế, tăng cường cải cách, vận động chính sách. Đồng thời cần góp sức cùng nhà đầu tư giải quyết khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh thông qua hoãn, giảm, miễn thuế, ưu đãi tín dụng, xuất khẩu.
Khó khăn cho đầu tư năm 2009, theo ông Thắng, là thiếu đất cho nhà đầu tư triển khai dự án. “Nhà đầu tư có tiền trong tài khoản nhưng thiếu mặt bằng đầu tư. Trong khi, 60% đất đai tại các địa phương đã được cấp phép nhưng chưa được triển khai thực hiện, gây lãng phí lớn”, ông Thắng nói.
Nếu giải quyết tốt bài toán mặt bằng, cùng với cơ chế thích ứng linh hoạt, thu hút FDI 2009 có thể tạm đi xuống, nhưng Việt Nam vẫn có cơ hội thu hút FDI trong thời gian tiếp sau. Thậm chí FDI mỗi năm có thể vượt 100 tỷ USD sau 2010.
Tuy nhiên, ông Thắng cũng nhấn mạnh, không vì dòng vốn sụt giảm mà thu hút dự án FDI thiếu chọn lọc.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt