Môi giới BĐS được coi là một nghề và đã được pháp luật thừa nhận. Người hoạt động môi giới BĐS phải được cấp chứng chỉ hành nghề. Tuy vậy, việc thiếu chế tài và biện pháp quản lý chặt chẽ, dẫn đến chất lượng môi giới kém hiệu quả, thậm chí phát sinh tiêu cực, lừa gạt khách hàng...
Ai cũng có thể hành nghề
Ngày 30/5 vừa qua, tại TP Hồ Chí Minh, đại diện ban soạn thảo thông tư quy định về việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS đã tổ chức hội thảo nhằm tranh thủ ý kiến góp ý của những người đang hoạt động trong lĩnh vực cho bản thông tư quan trọng này.
Hướng dẫn khách hàng chọn mua nhà tại buổi mở bán căn hộ cao cấp Him Lam Chợ Lớn. Ảnh: Việt Tâm
|
Ông Phan Thanh Long - một nhà môi giới BĐS độc lập nêu dẫn chứng, hiện bên cạnh những nhân viên môi giới tại các sàn giao dịch BĐS chuyên nghiệp có không ít những người hoạt động môi giới tự do. Họ có thể là một người lái xe ôm, một bà bán café vỉa hè, thậm chí là một nhân viên văn phòng... và đều không có chứng chỉ hành nghề. “Như vậy có nghĩa là, anh có chứng chỉ, anh hành nghề môi giới BĐS. Tôi không có chứng chỉ, tôi cũng hành nghề. Chả có ai cấm, chả có ai phạt tôi cả. Thế thì bắt tôi phải học, phải thi lấy chứng chỉ để làm gì?" - ông Long nói. Vì vậy, theo ông Long, để chứng chỉ hành nghề thực sự có giá trị, thông tư cần đưa ra được chế tài và biện pháp quản lý đối với những hoạt động môi giới đơn lẻ.
Ông Ngô Quang Phúc - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Địa ốc Him Lam cho rằng, môi giới BĐS đã được coi là một nghề và được pháp luật thừa nhận. Những người hoạt động môi giới phải được cấp chứng chỉ hành nghề. Song, trên thực tế, tấm thẻ hành nghề này vẫn chưa được nhìn nhận đúng giá trị, chưa được coi trọng, chưa làm cho những người được cấp thẻ hành nghề cảm thấy vinh dự, tự hào khi có thẻ mà mới chỉ thực sự có tác dụng trong việc... đăng ký thành lập sàn. "Chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực môi giới BĐS nhiều năm. Tự hào là đã góp một phần công sức cho sự phát triển của thị trường BĐS, đem lại niềm vui cho không ít gia đình. Thế nhưng, dưới góc nhìn xã hội, những người hành nghề môi giới BĐS vẫn bị gọi là "cò" một cách không mấy thiện cảm" - ông Phúc trăn trở.
Bước đi đầu tiên
Trao đổi tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch Hội môi giới BĐS cho biết, Luật Kinh doanh BĐS vốn đã có quy định người làm môi giới phải có chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, Luật chưa quy định xử phạt người không có chứng chỉ hành nghề nhưng vẫn hoạt động môi giới nên dẫn đến tình trạng lộn xộn như hiện nay. Vì vậy, quy định cấp chứng chỉ hành nghề sẽ phải qua đào tạo, sát hạch bài bản, chặt chẽ sẽ tạo ra đội ngũ môi giới chất lượng, từ đó, nâng cao danh dự, giá trị của những người làm nghề.
Đồng quan điểm, ông Bùi Duy Toàn - Giám đốc Sàn giao dịch BĐS Phú Mỹ Hưng cho rằng, người được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS cần phải có cái nhìn xa hơn, không nên chỉ nhìn thấy những hiện tượng đơn lẻ rồi nghĩ ngay rằng không cần chứng chỉ hành nghề vẫn có thể môi giới. Theo ông Toàn, cùng với xu thế hội nhập, hoạt động kinh doanh BĐS đang diễn ra cực kỳ sôi động. Đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Ngược lại, cũng đã bắt đầu có những nhà kinh doanh BĐS tại Việt Nam tìm kiếm cơ hội làm ăn ở nước ngoài; trước mắt là tại các nước trong khu vực. "Từ 1/7 tới, người nước ngoài sẽ được mua nhà ở Việt Nam, họ sẽ không tin tưởng vào những nhà môi giới không chuyên nghiệp. Vì vậy, nếu đội ngũ những người làm môi giới BĐS trong nước không ý thức được việc bồi dưỡng kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực của mình thì nguy cơ thua thiệt sẽ là rất lớn" - ông Toàn nói.
Luật sư Vũ Hà - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, ở Mỹ và hầu hết các quốc gia trên thế giới, mọi giao dịch liên quan đến BĐS đều được thực hiện thông qua văn phòng môi giới BĐS, nhà môi giới BĐS độc lập hoặc các luật sư. Tuy nhiên, các hoạt động môi giới đều diễn ra minh bạch, không có chuyện bóp méo thông tin, làm giá thị trường bởi hoạt động môi giới BĐS được quy định rất chặt chẽ. Chính vì vậy, việc tổ chức và quản lý hoạt động môi giới BĐS, hướng tới sự minh bạch, trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật là cần thiết. Và đây phải được xác định như là bước đi đầu tiên cho cả một chặng hành trình dài phía trước, trong bối cảnh hoạt động kinh doanh BĐS đang từng bước chuyển mình theo xu thế hội nhập.
DiaOcOnline.vn - Theo KTĐT