Không phải đến bây giờ vấn đề mở rộng địa giới thủ đô HN mới được đặt ra. Sau một thời gian phát triển với tốc độ nhanh chóng, nhiều ý kiến cho rằng đây là thời điểm thích hợp để thực hiện việc này. Tuy nhiên, theo TS - KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở QH - KT HN, mở rộng địa giới không phải là phép cộng, lắp ráp HN cũ với các khu vực mới, mà phải tạo ra một cơ thể thống nhất
Sau 9 lần điều chỉnh, mở rộng là tất yếu
Ông Nghiêm cho biết, vấn đề mở rộng HN đã được đặt ra từ năm 2000. Như vậy, đã có gần 10 năm chuẩn bị.
Vấn đề này đã được thể hiện trong Nghị Quyết 15 của Bộ Chính trị và Pháp lệnh Thủ đô HN. Khi bàn về vùng đồng bằng sông Hồng, vấn đề mở rộng HN cũng đã được đặt ra với diện tích ít nhất là 2.000km2.
Thực tế, HN đang phải chịu áp lực quá lớn về vấn đề dân số, kinh tế và bảo tồn văn hóa. Hiện nay bình quân đầu người/ km2 tại HN là 3.600 người, con số này ở TP Hồ Chí Minh là 2.900, còn trung bình của cả nước là xấp xỉ 260 người. Trong khi đó, tiêu chuẩn của một TP thân thiện, một TP được xếp vào loại sống tốt trên thế giới có tỷ lệ 25-40 người/km2.
Những con số này đã nói lên được áp lực dân số đối với HN hiện nay. Công tác dự báo đã chưa tính hết, trước đây dự báo năm 2010 dân số của HN là 3,3 triệu người nhưng nay dân số của TP vào năm 2007 đã lên đến 3,4 triệu.
Hà Nội rất quá tải do hệ thống giáo dục, y tế: hệ thống 65 trường đại học, cao đẳng, cộng thêm cả những trường dạy nghề, 56 vạn học sinh, sinh viên trên đất HN. Bên cạnh đó là 31 bệnh viện trung ương. Từ năm 2005, HN đã xác định chuyển dịch kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, nhưng đến bây giờ chưa đạt được mục tiêu. 14 cụm công nghiệp vừa và nhỏ được phê duyệt nhưng không “đạt”, khu công nghiệp mang tính chất công nghệ cao triển khai rất chậm.
Đáng lẽ sau khi có quy hoạch chung năm 1998 là phải có quy hoạch giao thông nhưng đến nay quy hoạch này vừa mới được Bộ Xây dựng hoàn thiện trình Chính phủ. Nhiều dự án hạ tầng như đường giao thông, cầu… chậm tiến độ, tạo nên nhiều bất cập.
Ông Nghiêm cho biết, từ năm 1998 đến nay, quy hoạch HN đã có 9 lần điều chỉnh cục bộ lớn, cho Xuân Phương đất dữ trữ thành đất phát triển, khai thác đất ở phía tây nam, cho điều chỉnh khu vực phố cổ, cho khai thác khu vực Đông Anh, khu vực ven sông, chuyển khu đại học… đẩy chỉ tiêu phát triển của HN khác đi so với quy hoạch năm 1998.
Tuy nhiên, những định hướng điều chỉnh được Chính phủ chấp thuận lại chưa được thực hiện trên thực tế trong khi dân cư tăng quá tải. Cầu Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Thanh Trì chậm, cầu Tứ Liên không thực hiện được, đường sắt đô thị Yên Viên - Hà Nội ách tắc mãi.
Trong khi phân bố dân cư không hợp lý. Từ năm 1998, khu vực hạn chế phát triển từ vành đai 2 trở vào xác định 92 vạn dân giảm xuống còn 80 vạn; khu phố cổ được đề nghị giảm 2 vạn dân, đã có hẳn một khu dãn dân ở Việt Hưng quy mô 26ha nhưng đến nay dân cư của các khu vực này không giảm.
Mở rộng không phải là phép cộng
Ông Nghiêm trăn trở, vấn đề chưa được nhiều người nói đến là mô hình Thủ đô bền vững là mô hình gì (?). Lúc trước chúng ta chọn mô hình Thủ đô có đô thị trung tâm và có vành đai xanh xung quanh. Nhưng thực chất diễn biến những năm qua, do khai thác lợi thế của Thủ đô, do yếu tố tạo nguồn động lực phát triển của các tỉnh trong khi thiếu một cơ chế quản lý theo vùng, 6 hướng tiếp cận với Hà Nội đã mất đi mô hình này, mất đi vành đai xanh cho HN. Vậy đô thị chuỗi không gian xanh, chùm đô thị hay mô hình phát triển nào là hợp lý (?)
Một vấn đề quan trọng nữa là mối quan hệ giữa phát triển và bảo tồn. Thực tế cho thấy mối quan hệ này chưa cân đối và HN có những “vấn đề” trong phát triển bền vững. Kinh tế phát triển, đô thị hóa nhanh nhưng phố cổ có chủ trương bảo tồn bao lâu nay có gì ngoài hai ngôi nhà cổ được tu bổ.
Rất nhiều chuyên gia nước ngoài đã khẳng định không đâu có được một đô thị có quá trình phát triển như HN với gần 1000 năm lịch sử, với các di tích quý giá. Nhưng thực tế, do chậm triển khai dự án bảo tồn, tu bổ, từ 500 hộ dân sống trong khu vực Cổ Loa giờ đã phát sinh thành 1.300 hộ…
Phải có định hướng phát triển chung
Trả lời cho câu hỏi, HN sẽ phải đối diện với những khó khăn nào khi mở rộng địa giới, ông Nghiêm cho rằng, khó nhất trong công tác quy hoạch, quản lý đô thị sau mở rộng là phải có định hướng phát triển chung cho thành phố mới. Định hướng phát triển không gian của thành phố mới bao gồm cả không gian kinh tế, văn hóa, xã hội.
Xây dựng Thủ đô mới không phải là phép cộng, lắp ráp HN cũ với các khu vực mới mà phải tạo ra một cơ thể thống nhất. Phải rà soát lại cả khu vực HN cũ và các khu vực sáp nhập vào HN để tạo ra một mô hình Thủ đô mới cho cân đối - đây là vấn đề khó. Việc này không thể chỉ do Hà Nội, hay Bộ Xây dựng làm mà cần có sự tham gia của các bộ, ngành, có sự chỉ đạo của Chính phủ.
Quy hoạch chỉ đi trước chứ quy hoạch không phải là quyết định toàn bộ để khớp nối không gian của HN và các khu vực mới. Kế thừa gì của Hà Tây và các khu vực sáp nhập vào HN, những gì HN cần điều chỉnh, không triển khai nữa là việc cần tính đến. Đơn cử như, các công viên lớn, sân golf mà HN đã có kế hoạch dự kiến xây dựng thì có cần triển khai trong lòng HN nữa không? Hơn một chục sân golf trong lòng HN, rồi thêm cả sân golf ở Hà Tây, có cần và có có nên đầu tư nhiều sân golf đến vậy ? Dự án hai bên bờ sông Hồng có cần phải di dời hàng vạn hộ dân để xây dựng các công trình hay chỉ cần chú trọng xây dựng cảnh quan hai bên sông, giảm bớt áp lực cho dự án trong lòng HN?…
Bắt đầu từ việc xem xét, đánh giá lại hiện trạng để vạch ra mục tiêu cho HN sau mở rộng. HN cần mạnh dạn nhìn nhận và đề xuất mục tiêu phát triển của HN, đơn cử Thủ đô có nhất thiết phải là đầu tàu về kinh tế? Lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia trong nước và nước ngoài là cần thiết. Không nên đặt ra vấn đề mở rộng HN gấp 3 lần thì có quản lý nổi hay không - ông Nghiêm khẳng định. Vì từ nhu cầu khách quan sẽ có con người và bộ máy thích hợp, bên cạnh đó là cơ chế hỗ trợ quản lý của vùng. Sớm nghiên cứu mô hình không gian cho HN mới là điều cần làm trên nhưng ai là người đứng ra làm, chính là HN chứ không phải một cơ quan nào khác.