Top

Mở rộng cửa cho kinh doanh vận tải

Cập nhật 18/04/2009 08:55

Không chấp nhận kiểu mở quốc lộ, đường cao tốc thì cùng lúc nhà mặt tiền trên các tuyến này sẽ mọc lên.

Hôm qua (17-4), từ hai điểm cầu Hà Nội và TP.HCM, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức hội nghị trực tuyến giới thiệu sáu dự thảo của sáu nghị định hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường bộ, sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7 tới để lấy ý kiến đóng góp của đại biểu 63 Sở GTVT, các hiệp hội, tổ chức...

Niên hạn xe: Dưới 15 năm

Theo dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung quy định về niên hạn xe ôtô tải và ôtô chở người và dự thảo nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô, xe ôtô kinh doanh trên từng lĩnh vực phải có niên hạn. Cụ thể, xe khách chạy trên tuyến cố định trên 300 km có niên hạn không quá 15 năm; tuyến từ dưới 300 km không quá 20 năm; xe buýt được chạy trong cự ly không quá 60 km cũng được áp dụng theo niên hạn trên; xe taxi là 12 năm, xe hợp đồng và xe du lịch không quá 15 năm...

Theo đại diện Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), thực tế hiện nay khách du lịch trong hoặc ngoài nước đi từ các đô thị lớn thường yêu cầu được phục vụ bằng các loại xe mới sản xuất từ bốn đến năm năm. Do đó, để đảm bảo chất lượng du lịch nói chung cần quy định niên hạn đối với loại xe này là dưới 10 năm. Ông Trần Ngọc Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT, giải thích trong quá trình xây dựng dự thảo, ban soạn thảo đã lắng nghe ý kiến trên từ đại diện của Bộ VH-TT&DL. Nhưng “cân đối” trên phạm vi cả nước, Bộ GTVT đề xuất niên hạn xe du lịch là dưới 15 năm. “Đó là niên hạn mang tính “định khung” cho cả nước, còn doanh nghiệp nào muốn xây dựng thương hiệu, thu hút khách du lịch bằng cách sử dụng xe luôn mới thì đó là quyền của doanh nghiệp!” - ông Thành nói.

Không để “đẻ” giấy phép con

Nhiều đại biểu cho rằng khi kinh doanh vận tải, các doanh nghiệp hoặc hợp tác xã đã có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc Phòng Công thương quận, huyện cấp nên không cần thiết phải có giấy phép kinh doanh vận tải bằng ôtô như đề xuất của Bộ GTVT. Ông Trần Ngọc Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT, minh định: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là khác với giấy phép kinh doanh vận tải bằng ôtô.

Theo Luật Doanh nghiệp và các quy định khác, kinh doanh vận tải bằng ôtô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện với đặc trưng lớn nhất là sử dụng các loại phương tiện có nguồn nguy hiểm cao độ. Vì vậy, theo Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp và các luật liên quan, ngành nghề này phải được quản lý chặt chẽ bằng giấy phép do cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cấp. Tuy vậy, Bộ GTVT và các vụ chuyên môn sẽ nghiên cứu quy trình, thủ tục, hồ sơ cấp phép cho các doanh nghiệp thuận tiện, nhanh, gọn nhất. Đồng thời, Bộ GTVT sẽ kiểm tra, giám sát chặt để không biến nó thành “giấy phép con”.

Loại bỏ nhà mặt tiền quốc lộ?

Theo ông Mai Văn Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ GTVT, nhằm chống tình trạng lấn chiếm mặt tiền các tuyến quốc lộ, đường cao tốc, Bộ GTVT đề xuất quy định sử dụng, khai thác đất trong phạm vi đường bộ. Theo đó, dọc theo các tuyến đường trên phải xây dựng các tuyến đường song hành, đường nhánh đấu nối; cấm mở đường từ nhà dân đấu nối trực tiếp vào các tuyến quốc lộ; nhà mặt tiền ở các tuyến đã có từ trước phải được xóa bỏ dần và thay thế bằng hệ thống đường với các điểm đấu nối theo đúng tiêu chuẩn về cự ly, khoảng cách...

Nhiều ý kiến quan ngại nếu thực hiện theo đề xuất trên, tới đây sẽ buộc phải giải tỏa hàng loạt nhà mặt tiền ở các tuyến quốc lộ, gây xáo trộn lớn đến đời sống người dân... Ông Hồng giải thích rõ, đề xuất trên chỉ áp dụng với các tuyến quốc lộ, tuyến đường cao tốc mới mở, không “hồi tố” đối với các tuyến đường cũ. Tuy nhiên, với các tuyến quốc lộ cũ, nếu tỉnh, thành nào muốn mở rộng, nâng cấp hoặc chuyển hóa thành đường trục quốc lộ, cao tốc đi qua khu đô thị mới thì vẫn phải tuân thủ quy định. “Những quy định như vậy nhằm bảo đảm an toàn đường bộ và bảo vệ cho chính những người dân ở dọc những tuyến đường mới mở. Tránh được tình trạng đường quốc lộ mới mở đến đâu hoặc đã mở tuyến tránh các khu đô thị, khu đông dân cư là nhà... “chạy” theo ngay” - ông Hồng giải thích.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng, từ buổi họp trực tuyến này Bộ sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp để xây dựng các nghị định theo đúng tiến độ, có chất lượng và khi đi vào đời sống được người dân, doanh nghiệp đồng thuận.

Kinh doanh không cần vào hội

Đại diện Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM đề nghị: Bộ GTVT nên quy định các doanh nghiệp, hợp tác xã muốn kinh doanh vận tải bằng ôtô phải tham gia vào các hội, hiệp hội vận tải ở địa phương (như Hiệp hội Taxi, Hiệp hội Xe buýt, Hiệp hội Vận tải hàng hóa, xe du lịch... ). Ông Trần Ngọc Thành trả lời: “Việc tham gia vào các hiệp hội là quyền tự nguyện của các doanh nghiệp, hợp tác xã và việc gia nhập, hoạt động trong các hiệp hội là tuân theo các quy định pháp luật về hội, hiệp hội hiện hành. Bộ GTVT là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về GTVT không có quyền can thiệp vào các hội, hiệp hội. Như vậy, doanh nghiệp, hợp tác xã không buộc phải gia nhập các hội, hiệp hội mới được kinh doanh vận tải”.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP