Để dễ bán, chủ đất tự bỏ tiền mở hẻm, thiết kế hố ga một cách chắp vá. Rạch bị san lấp để xây nhà trái phép làm tắc đường thoát nước, gây bức xúc cho người dân.
Xi măng, sắt thép, các loại vật tư chất đống cùng đội ngũ thợ xây làm việc hối hả là những gì đang diễn ra tại các con hẻm nhỏ nằm ẩn trong các khu dân cư của phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức-TPHCM. Đúng như nhận xét của người dân ở đây: “Không biết cớ gì mà trong tháng gần đây nhà cửa nườm nượp mọc lên như nấm!”.
Một trệt, một lầu: Xây 3 ngày
Biết chúng tôi đang tìm mua đất xây nhà, chị chủ quán tạp hóa đầu đường Tam Bình mở lời: “Em cứ chạy vào hẻm Võ Tiên Sư, trong đó thiếu gì. Họ đang xây ì xèo!”. Chạy vào một con hẻm trong hàng loạt con hẻm không số nằm dọc hẻm Võ Tiên Sư thuộc KP 8, chúng tôi thấy hàng loạt căn nhà đang mọc lên trên những lô đất phân sẵn. Trước mắt chúng tôi, con hẻm ngoằn ngoèo bùn đất, chỉ chừng 200 m nhưng có tới 10 căn nhà đang xây dựng từ 1 đến 2 tấm. 7-8 căn khác xây xong và đã có người ở. Dừng lại đoạn giữa hẻm, chúng tôi bắt chuyện với người đàn ông tên Tân đang coi thợ xây nhà cho người em trai. Ông Tân kể: “Em tôi mua lô đất này cách nay 3 tháng với giá 400 triệu đồng. Sau đó, nó “chạy” giấy phép xây nhà và khởi công luôn”.
Chỉ tay vào căn nhà mới xây, ông Tân thủ thỉ: “Muốn xây không bị đập như căn nhà này phải chịu bỏ ra 20 triệu đồng để nhờ đường dây “chạy” giấy phép cho nhanh. Đừng chần chừ kẻo không còn... cơ hội”. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết căn nhà bị đập mà ông Tân vừa kể bị Thanh tra Xây dựng phường Hiệp Bình Chánh đình chỉ xây dựng cách đây một tuần vì không có giấy phép, nhưng không hiểu sao sáng 15-4, lúc chúng tôi đến thì lại thấy nhóm thợ lục đục tô trát trở lại. Một người dân bất bình: “Ngưng đó rồi xây đó là điều ở đây ai cũng biết. Chỉ cần “hiểu ý” cán bộ là xong!”.
Lân la đến các hẻm của đường 44, 46 gần đó, tình hình xây dựng cũng tấp nập không kém và lộn xộn như một ma trận. Nhà kiên cố có, cấp 4 có và nhà gạch tô xi măng cũng có. Một vài thợ xây ở đây cho biết nếu “đổ quân” ra thì nhà một trệt, một lầu chỉ cần 3 ngày là xong! Một chủ thầu đang quản một căn nhà cấp 4 xây ở hẻm đường 44, thẳng thừng: “Nhà có giấy phép thì thủng thẳng, còn không phép thì phải xây... chạy!”.
Rời khỏi đường Tam Bình, băng qua đường Hiệp Bình, chúng tôi đến địa bàn KP 6. Từ đường 48 chạy vào một con hẻm rộng chưa tới 2 m dẫn sâu vào bên trong, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy cứ cách vài đám đất cỏ mọc um tùm là một dãy gồm 2-3 căn nhà mới xây có thiết kế giống nhau. Theo một chủ nhà vừa dọn đến ở, những căn nhà này đều cùng một chủ thầu xây lên bán.
Xây đến đâu, tự mở đường đến đó!
Len lỏi vào những khu dân cư mới hình thành ở phường Hiệp Bình Chánh, điều dễ dàng nhận thấy là hầu hết tuyến hẻm đều không có hệ thống hạ tầng mà chỉ hình thành tự phát và chắp vá. Hẻm chỉ rộng
2-3 m, đường đất hoặc trải sỏi, không có hố ga thoát nước. Một người dân “cố cựu” ở KP 8 cho biết các con hẻm đều do chủ đất tự mở để khi phân lô bán đất, người mua dễ vào xây nhà và quan trọng là có đường đi.
Quan sát tại một hẻm tự phát nằm trong hẻm Võ Tiên Sư, KP 8, những nắp hố ga dày chưa tới 3 cm được đổ bê tông để sẵn nhưng phía dưới không thấy hố ga đâu. Những người mua đất xây nhà cho biết chủ đất bỏ tiền đổ đất tôn hẻm và thiết kế hố ga để bán đất cho dễ. Một chủ hộ đang xây dựng nhà chỉ tay về phía cuối hẻm, thản nhiên: “Chỉ cần một hố ga thu nước và đưa nước chảy ra con rạch ở đó là xong!”. Đến cuối hẻm, quả thật là có con rạch nhưng chúng tôi thấy nước đen ngòm, rộng chừng nửa mét. Nước từ rạch này chảy đi đâu không ai biết vì xung quanh đều đã lấp đầy nhà. Kinh khủng hơn, khi vào trong con hẻm 75, đường 48, chúng tôi nhìn thấy nhiều lỗ thủng lớn nằm dọc đường đi để lộ ra lớp cát bên dưới.
Tình trạng san lấp rạch, xây nhà trái phép làm tắc đường thoát nước cũng là bức xúc của nhiều người dân KP 2 nhưng nhiều năm qua chưa được chính quyền giải quyết. Nhiều người dân kể: Thời điểm năm 2006, chỉ trong vài tháng, hai chủ đất ở đây đã san lấp không thương tiếc rạch ông Hương dài cả ngàn mét, rộng 11-12 m. Sau đó, phân hàng chục lô đất bán. Ông Phan Văn Ba, ở 86/3 đường số 6, KP 2, bức xúc: “Chuyện diễn ra giữa ban ngày nhưng chính quyền làm ngơ. Người sai phạm không ai xử lý, chỉ có dân ở đây là thiệt vì rạch bị lấp, chắc chắn ngập nghẹt sẽ xảy ra”.
Quả thật, nếu không có người dân phản ánh, chúng tôi không thể biết được khu đất dưới chân mình đang đứng, cách đây chỉ 3 năm là con rạch thoát nước cho hàng trăm hộ dân, còn nay là hàng chục căn nhà cao tầng nằm san sát nhau.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động