Top

Bê-tông hóa vỉa hè ở quận 1 (TP.HCM): “Đúng là quận chưa tính đến tầng nước ngầm!”

Cập nhật 18/04/2009 08:40

Đó là lời trần tình của ông Nguyễn Quang Chúc, Chủ tịch UBND quận 1 (TP.HCM).

"Khi báo chí phản ánh, chúng tôi mới thấy bê-tông hóa toàn bộ vỉa hè các tuyến đường sẽ ảnh hưởng đến tầng nước ngầm, còn khi triển khai việc chỉnh trang vỉa hè quận cũng chưa đặt ra vấn đề này. Cũng chưa có cơ quan nào tư vấn cho quận trước khi thực hiện”. Ông Nguyễn Quang Chúc, Chủ tịch UBND quận 1 (TP.HCM), cho biết tại buổi giao ban báo chí sáng 17-4 xung quanh việc lát gạch vỉa hè tại quận này.

Thà tốn một lần...

Theo báo cáo của UBND quận 1, trong năm 2008, quận đã chỉnh trang 38 tuyến đường. Sang năm 2009, quận này tiếp tục chỉnh trang thêm khoảng 80 tuyến đường. Các dự án cải tạo, chỉnh trang vỉa hè đều do ban quản lý dự án quận và các phường làm chủ đầu tư.

Ông Chúc cho biết việc chỉnh trang vỉa hè ở nhiều tuyến đường tại quận 1 hiện đang được gấp rút thi công để trả lại sự thông thoáng cho vỉa hè. Tuy vậy, tiến độ tại một số tuyến đường bị chậm lại do gặp một số vướng mắc về thủ tục và ảnh hưởng trực tiếp từ các công trình cao ốc đang thi công.

Cũng theo ông Chúc, quận tiến hành chỉnh trang thay thế gạch lát vỉa và bó vỉa theo thiết kế của Sở Giao thông Vận tải. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến than phiền rằng việc đào xới vỉa hè cùng lúc nhiều tuyến đường đã gây xáo trộn việc đi lại và ảnh hưởng đến kinh doanh, buôn bán của người dân. Thừa nhận việc này là do trong quá trình thi công đất đá tập kết bừa bãi nhưng ông Chúc bày tỏ: “Thà làm mới một lần dù có tốn kém còn hơn là làm chỗ này, rồi chắp vá chỗ khác, vừa gây lãng phí vừa không đảm bảo thẩm mỹ. Nếu làm chắp vá thì rốt cuộc bộ mặt đô thị chẳng có gì thay đổi cả!”.

Phá sản kế hoạch “ngầm hóa”

Theo UBND quận 1, việc chỉnh trang vỉa hè các tuyến đường đã được quận thông báo rộng rãi cho người dân biết. Tuy nhiên, theo ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông TP, quận thông báo cho dân nhưng lại không báo cho Sở biết kế hoạch này trước. “Việc này làm cho kế hoạch “ngầm hóa” các tuyến cáp trên đường Trần Bình Trọng bị phá sản vì không lẽ mới lát gạch bó vỉa xong lại phải đào lên lại?” - ông Hà nói. Về việc này, ông Chúc cho biết sẽ rút kinh nghiệm nhưng cũng giải thích rằng vì không biết kế hoạch của Sở làm khi nào mà chờ, mà chờ thì biết bao giờ mới xong.

Trả lời về việc có hay không chuyện gạch lát vỉa hè kém chất lượng, dễ vỡ và người thi công vòi vĩnh tiền người dân để lối vào nhà mình được đẹp hơn, ông Đinh Xuân Thiện, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình công cộng quận 1, nói: “Ban quản lý chỉ quan tâm đến chất lượng gạch lát chứ không quan tâm đến đơn vị nào cung cấp. Đối với các trường hợp vòi vĩnh tiền, quận đề nghị được cung cấp địa chỉ cụ thể để xử lý nghiêm”. Riêng câu hỏi tuổi thọ vỉa hè kéo dài trong bao lâu, đại diện quận 1 vẫn chưa đưa ra câu trả lời.

Gạch con sâu giúp tích tụ tầng nước ngầm

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM hôm qua (17-4), ông Nguyễn Thiện Tích -Tổng Biên tập Tạp chí Hội Hoa Lan Cây Cảnh TP, cho biết khi bê-tông hóa toàn bộ hệ thống vỉa hè, tất thảy nước mưa trút xuống sẽ theo các cống thoát nước đổ ra kênh rạch rất lãng phí. Trong khi đó, tầng nước ngầm rất cần thiết cho việc giữ màu xanh cho đô thị. Theo ông Tích, việc lát gạch con sâu sẽ góp phần tích tụ tầng nước ngầm và tiết kiệm được chi phí.


>Không “làm thịt” vỉa hè còn sử dụng được

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP