Việc thành lập Quỹ Phát triển nhà ở đã được Bộ Xây dựng khởi xướng cách đây vài năm nhưng không được chấp nhận. Đến nay, ý tưởng này đã được đưa vào dự thảo luật với phạm vi hẹp hơn: Quỹ Phát triển nhà ở xã hội.
Không thể tính ngân sách Trung ương đã tạo vốn cho Quỹ phát triển nhà ở xã hội
|
Không thể trích từ ngân sách trung ương để tạo nguồn vốn cho Quỹ Phát triển nhà ở xã hội vì tiền thuế do nhân dân đóng góp không thể chỉ để phục vụ cho một nhóm trong cộng đồng dân cư. |
Quy định về nguồn vốn để thành lập Quỹ Phát triển nhà ở xã hội không khả thi. Trước hết, không thể trích từ ngân sách trung ương để tạo nguồn vốn cho quỹ vì tiền thuế do nhân dân đóng góp không thể chỉ để phục vụ cho một nhóm trong cộng đồng dân cư. Hơn nữa, thu ngân sách của đất nước đang có nhiều khó khăn, nhu cầu đầu tư phát triển ngày càng cao nên không thể “hy sinh” việc đầu tư phát triển để lập quỹ này.
Việc phát hành trái phiếu, công trái không có cơ sở pháp lý. Vì theo Dự thảo Luật, quỹ hoạt động theo nguyên tắc không vì mục tiêu lợi nhuận. Do đó, lấy nguồn nào để trả lãi trái phiếu? Nếu phát hành trái phiếu nhưng đến kỳ đáo hạn, quỹ không trả được lãi (hoặc cả vốn và lãi) thì ngân sách nhà nước có phải trả nợ thay hay không? Công trái quốc gia chỉ có thể phát hành phục vụ cho các dự án, công trình, chương trình có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế như đường dây 500KV, Thủy điện Sơn La... Quỹ Phát triển nhà ở xã hội không phải là dự án có tầm quan trọng như vậy.
Nguồn từ đóng góp tiết kiệm của người có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội khó có thể trở thành hiện thực. Bởi, nếu người có nhu cầu có tiền để góp quỹ thì họ sẽ thuê, mua nhà ở xã hội, không ai dại gì góp vốn vào quỹ để xếp hàng được vay tiền mua nhà.
Thực chất, Quỹ Phát triển nhà ở xã hội là một quỹ tài chính ngoài ngân sách. Đến nay, ở nước ta đã có khoảng 50 quỹ tài chính ngoài ngân sách. Hoạt động và hiệu quả của những quỹ này như thế nào vẫn chưa được công khai, minh bạch và khung pháp luật cho hoạt động của những quỹ này còn rất nhiều vấn đề cần bàn. Đã đến lúc không thể để tình trạng mỗi luật chuyên ngành đặt ra một quỹ tài chính ngoài ngân sách, mà thực chất là chuyển một khoản tiền từ ngân sách nhà nước sang cho quỹ để không bị ràng buộc bởi những nguyên tắc chặt chẽ của việc chi tiền ngân sách.