Top

Không cấm vẫn... phạt!

Cập nhật 22/10/2013 14:17

Trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, phần cấm sử dụng nhà ở vào mục đích kinh doanh một số ngành nghề đã phải loại bỏ. Nhưng Nghị định 121/2013/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 30/11/2013, lại quy định xử phạt những hành vi không bị cấm đó.


Câu chuyện cấm sử dụng nhà ở làm cơ sở kinh doanh đã được tranh luận khá sôi nổi và báo chí cũng đã tốn không ít giấy, mực. Hơn 3 năm trước, Bộ Xây dựng cũng đã từng đưa ra quy định cấm sử dụng căn hộ chung cư làm văn phòng, nhưng sau đó đã phải có những điều chỉnh nhất định phù hợp với thực tế.  Và, mới đây, trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, Bộ Xây dựng đã kiến nghị cấm sử dụng nhà ở làm nhà nghỉ và sử dụng nhà ở vào mục đích kinh doanh một số ngành nghề. Tuy nhiên, phần dự thảo này sau đó đã phải bãi bỏ trước sự phản đối quyết liệt của dư luận.

Như vậy, cái sự “cấm” như mong muốn của Bộ Xây dựng chưa được quy định trong luật. Song, lạ thay, căn cứ vào đề nghị của Bộ Xây dựng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 121/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 30/11/2013, xử phạt hành chính các hành vi sử dụng nhà ở trong chung cư và biệt thự vào một số mục đích kinh doanh đã được Bộ Xây dựng thừa nhận là bất cập và bỏ ra khỏi dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi.

Điều đó có nghĩa là, người dân sẽ bị phạt ngay cả với những hành vi không bị cấm trong sử dụng chính căn nhà thuộc sở hữu của mình. Ví dụ, phạt tiền đến 60 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư sau đây: Kinh doanh nhà hàng, karaoke, vũ trường; sửa chữa xe máy, kinh doanh gia súc, gia cầm, hoạt động mổ gia súc; nuôi gia súc, gia cầm tại phần sở hữu, sử dụng riêng làm ảnh hưởng tới trật tự, mỹ quan và môi trường sống của các hộ dân khác; sử dụng hoặc cho người khác sử dụng phần sở hữu riêng hoặc phần sử dụng riêng trái mục đích quy định; kinh doanh ga, các vật liệu nổ, dễ cháy.

Về nguyên tắc, chỉ có thể phạt khi người dân vi phạm vào những điều cấm theo quy định của pháp luật. Song, khi không bị cấm nhưng lại vẫn bị phạt là sự lạ và chỉ có ở văn bản quy phạm pháp luật tại Việt Nam.

Vi phạm tại các biệt thự có thể bị phạt tới 80 triệu đồng; xử phạt đến 4 triệu đồng cho hành vi: Cho mượn, ủy quyền quản lý nhà ở hoặc cho thuê nhà ở mà không lập hợp đồng theo quy định. Còn quy định thế nào thì chưa thấy quy định ở đâu!

Về nguyên tắc, chỉ có thể phạt khi người dân vi phạm vào những điều cấm theo quy định của pháp luật. Song, khi không bị cấm nhưng lại vẫn bị phạt là sự lạ và chỉ có ở văn bản quy phạm pháp luật tại Việt Nam. Nếu một số quy định phạt hành vi không bị cấm trong Nghị định121/2013/CP được thực thi thì các cơ quan quản lý cứ vô tư đặt ra quy định phạt để phục vụ cho công tác quản lý của mình và không loại trừ là phục vụ lợi ích nhóm!

Tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định xử phạt cả những hành vi không bị pháp luật cấm trong sử dụng nhà ở, một số quan chức của Bộ Xây dựng đã “lách luật” thật... lộ liễu. Đó là “những người thích đùa” ở đẳng cấp cao nhất về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam?

DiaOcOnline.vn - Theo Công Thương