Top

Khó thống nhất quyền lợi

Cập nhật 08/11/2008 11:00

Từ năm 2001, Hà Nội đã có nghị quyết phá dỡ hàng chục khu chung cư cũ tại các quận nội đô Thành phố, nhưng đến nay, chỉ có duy nhất Dự án cải tạo Khu tập thể Kim Liên được khởi động.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong các dự án cải tạo chung cư là do bất đồng lợi ích giữa người dân và chủ đầu tư.

Dự án cải tạo Khu tập thể B6 - Giảng Võ (quận Ba Đình) là một ví dụ. Năm 2004, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng và dịch vụ thương mại Hà Nội (nay đổi tên là Công ty cổ phần Hà Nội - ICT) được UBND TP.

Hà Nội giao lập dự án đầu tư xây dựng lại nhà B6 Giảng Võ. Tuy nhiên, kế hoạch này đã gặp phải sự phản ứng dữ dội của các hộ dân. Người dân cảm thấy nghi ngờ năng lực tài chính của chủ đầu tư, trong khi chính quyền phường Giảng Võ và chủ đầu tư lại xếp nhà B6 Giảng Võ vào mức độ “nhà đặc biệt nguy hiểm”.

Nếu là nhà “đặc biệt nguy hiểm”, thì chính quyền địa phương có quyền di dời khẩn cấp các hộ dân khỏi khu nhà và chủ đầu tư sẽ không phải đền bù giá trị cho gần 100 cuốn sổ đỏ của các hộ dân tại nhà B6. Trong khi đó, việc xác định nhà B6 Giảng Võ có phải là nhà nguy hiểm hay không vẫn là câu chuyện “tiền hậu bất nhất” của các cơ quan chức năng.

Chất lượng nhà như thế nào sẽ là yếu tố quyết định quyền lợi của các hộ dân. Nếu là nhà “đặc biệt nguy hiểm” và phải “di dời khẩn cấp”, thì người dân gần như mất trắng căn hộ của mình - điều mà không ai muốn.

Dự án cải tạo các khu chung cư I1, I2, I3 Nam Thành Công (quận Đống Đa), sau 8 năm được giao cho chủ đầu tư là Tổng công ty sông Hồng đến nay vẫn chưa thể phá dỡ, do bị người dân phản đối. Ông Vũ Minh Tâm, phòng 104, nhà I1 bức xúc: “Chúng tôi ủng hộ chủ trương cải tạo lại các chung cư cũ của Thành phố, nhưng cách làm tại dự án này thì chúng tôi không đồng tình”.

Theo ông Tâm, kế hoạch phá dỡ xây mới khu nhà chung cư này “dân không được biết”, chỉ đến khi Thành phố ra quyết định thu hồi đất, thì các hộ dân mới biết, nên họ không đồng tình.

Ông Phạm Văn Chỉ, cán bộ nghỉ hưu (phòng 208 - Chung cư I2 Nam Thành Công) cho rằng, sở dĩ vẫn còn nhiều hộ dân không đồng tình là do sự tuyên truyền, giải thích không đầy đủ.

Vướng mắc khá phổ biến được ông Hoàng Tú, Phó trưởng Ban 61 (Sở Xây dựng TP. Hà Nội) “tổng kết” là sự không đồng thuận giữa các hộ dân trong cùng một khu nhà. Trong khi đa phần các hộ dân ở tầng cao sẵn sàng di dời để phá dỡ, xây mới, thì các hộ dân ở tầng 1 lại không muốn di dời, vì họ có thể tận dụng làm dịch vụ từ chính căn nhà của mình.

Mặc dù phải sống trong nỗi lo thường trực về sự nguy hiểm của khu nhà, nhưng không phải hộ nào cũng sẵn sàng di chuyển chỗ ở, nhất là những hộ dân sinh sống từ nguồn thu nhập tự do (bán hàng, gửi xe tại các khu tập thể), khi vào các khu chung cư mới xây dựng họ sẽ mất đi nguồn thu nhập này.

Một nguyên nhân khác khiến các dự án cải tạo chung cư cũ khó thực thi, theo các chủ đầu tư, còn do hệ số sử dụng đất và hệ số tầng cao theo quy hoạch tổng thể của Thành phố (nếu làm đúng quy hoạch, thì doanh nghiệp sẽ lỗ vốn).

Theo khảo sát của Công ty Đầu tư xây dựng phát triển nhà số 7 - đơn vị chủ đầu tư Dự án cải tạo Khu tập thể Nguyễn Công Trứ, khu tập thể này được xây dựng cách đây 40 năm đã cũ nát, với 14 khu nhà chung cư 4-5 tầng, có hơn 8.000 dân đang sinh sống (trên diện tích 5,7 ha). Để thực hiện cải tạo toàn bộ khu chung cư cũ nát này, vốn đầu tư ban đầu bỏ ra ước tính lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Một lãnh đạo Công ty Đầu tư xây dựng phát triển nhà số 7 cho biết, nếu giữ nguyên hệ số sử dụng đất và hệ số tầng cao như hiện nay, thì doanh nghiệp sẽ lỗ nặng; ít nhất phải nâng hệ số tầng cao lên 15 - 17 tầng, thì doanh nghiệp mới có đủ kinh phí phá dỡ, xây mới.

Tuy nhiên, việc nâng hệ số sử dụng đất trong khu vực nội thành có thể dẫn đến một nguy cơ khác là quá tải cho các công trình hạ tầng và ách tắc giao thông nội đô.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư