Nhiều khu nhà cao tầng tái định cư (TĐC) đã và đang hình thành, để đón nhận hàng nghìn người dân ở vùng giải toả đến sinh sống. Nhưng đa số người dân vùng bị giải toả sau khi được TĐC, cuộc sống bị lâm vào hoàn cảnh khó khăn, nhiều trắc trở...
Dân thất vọng!
Tại khu TĐC Nam Trung Yên, người dân từ hai phường Kim Liên và Nam Đồng đã chuyển đến ở từ năm 2005. Thế nhưng, cơ sở hạ tầng để phục vụ đời sống nhân dân hầu như vẫn chưa có gì. Bốn toà nhà TĐC khu B3 và B11 đứng trơ trọi xung quanh đại công trường xây dựng.
Con đường vào khu TĐC trời nắng bụi bay mù mịt, mưa thì trơn trượt, những hố ga không nắp đậy, vật liệu xây dựng ngổn ngang khắp nơi. Gần 1.000 hộ dân sinh sống, nhưng không có chợ, không trạm y tế, không nhà trẻ - trường học, không chỗ vui chơi. Bác Nhượng (P.909 nhà B11c) bức xúc nói: "Kể từ khi chúng tôi về đây, cuộc sống như biệt lập, ban ngày thơ thẩn ra ngoài thì bụi, tối đến bị bóng đêm cô lập như "ốc đảo".
Người dân nằm trong vùng bị giải toả đã là một sự thiệt thòi, nhưng họ còn thất vọng hơn trước những gì cơ quan chức năng đã cam kết khi di dân đến khu TĐC. Bác Nguyễn Thị Lan (P.1002 nhà B11c) cho hay: "Họ chỉ hứa để vậy chứ có làm gì cho dân chúng tôi. Nhà tôi, con cái phải tứ tán ra nơi khác thuê nhà ở riêng để các cháu còn học hành, chứ ở đây học ở đâu, trẻ ốm đau biết chữa chỗ nào".
Thiếu việc làm
Ông Trần Ngọc Sơn - Tổ trưởng nhà 17T10 Trung Hoà - Nhân Chính cho hay: "Hiện, tôi đã nhận được gần 50 đơn xin tìm việc làm của bà con gửi cho. Ở đây có 192 hộ, nhiều người sau TĐC không có công ăn việc làm. Họ nói có công việc gì giới thiệu hộ". Trước đây khi còn ở khu Ngã Tư Sở, những người dân này chủ yếu sống nhờ vào mặt đường, từ khi lên nhà cao tầng, họ chẳng biết phải làm gì để mưu sinh. Một số người ra chạy xe ôm, đi làm thuê.
Một số ngồi nhà trông vào tiền đền bù, nhưng "miệng ăn núi lở", họ lại nháo nhác đi kiếm việc. Đối với người dân khu đường Hào Nam khi chuyển đến nhà N2A, N2B - Nhân Chính cũng gặp rất nhiều khó khăn để kiếm kế sinh nhai. Những công việc trước đây của bà con là hàng cơm, quán phở, hàng quà vặt, bán nước bên đường, buôn bán nhỏ... Khi chuyển về nơi ở mới, đa phần đều không có việc. Một số hộ phải cho thuê lại nhà, đi ở chỗ khác để làm ăn. Có trường hợp khó khăn quá phải bán nhà đi ở nhà thuê.
Còn tại khu TĐC Nam Trung Yên, việc buôn bán còn diễn ra ngay trong chung cư, với những hàng phở buổi sáng, cơm hộp buổi trưa của chị Tâm (P.1308), bánh cuốn, xôi xéo, bán gạo, cắt may, khâu giày, từ tầng 1 lên tầng 13 tờ rơi, biển báo dán khắp nơi... Những người dân ở đây đều nói vì không có chợ, hay mặt bằng gì để mở quán, nên phải mở tại gia để kiếm sống.
Chị Đặng Thị Thắm (P.1006) nói: "Tôi mở hàng dưới sân, bảo vệ không cho, nhưng đuổi chỗ này, chạy góc nọ để kiếm ít tiền, một mình chồng chạy xe ôm làm sao đủ cho cả nhà, con cái lại đang học hành, giá cả cái gì cũng tăng vọt".
Hay như cụ Bùi Thị Mì (P.1004) 80 tuổi mà chiều nào cũng phải dọn hàng nước xuống sân bán, cho biết khi về đây con cháu thất nghiệp không nhờ cậy được, mình phải tự lo thân. Ông Nguyễn Quang Tuyên - Tổ trưởng nhà B11c - cho biết: "Có đến nửa số hộ ở khu TĐC này không sống được phải bán nhà về quê, số còn lại không có công việc ổn định cũng đang gay go".