Top

Từ 1-4: “Bắt mạch” về quản lý, sử dụng đất công

Cập nhật 21/03/2008 09:00

Từ 1-4-2008, sẽ tổng kiểm kê diện tích đất đang quản lý, sử dụng của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên phạm vi cả nước. Đây được xem là động thái quan trọng trong việc ngăn chặn nạn tiêu cực, tham nhũng liên quan tới đất đai đang phổ biến ở một số địa phương hiện nay. Báo giới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Khang - Phó Vụ trưởng Vụ Đăng ký thống kê đất đai (Bộ TN-MT) về đợt kiểm kê này.

* Thưa ông, kiểm kê đất công có thể xem như giải pháp siết chặt quản lý nhằm hạn chế dần tiêu cực, tham nhũng liên quan tới đất đai?

Ông Nguyễn Tiến Khang: Kiểm kê nhằm xác định rõ diện tích đất mà các tổ chức đang quản lý, sử dụng; diện tích lấn chiếm, diện tích bị lấn chiếm; diện tích sử dụng sai mục đích; diện tích đất chuyển nhượng, cho thuê trái phép; diện tích chưa đưa vào sử dụng.

Những số liệu này được dùng làm cơ sở để đánh giá đúng thực trạng tình hình và đề xuất các biện pháp quản lý nhằm sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả đối với quỹ đất đã giao cho các tổ chức sử dụng. Mục tiêu lớn nhất là để nắm chắc mọi quỹ đất đang được các tổ chức sử dụng, nhất là những đối tượng được Nhà nước giao đất mà không thu tiền sử dụng đất.

Kết quả của đợt kiểm kê này sẽ là một trong những cơ sở để Nhà nước xem xét việc tiếp tục giao, cho thuê đất theo yêu cầu hoặc thu hồi một phần, toàn bộ diện tích đất. Đây cũng chính là một trong những giải pháp để Nhà nước quản lý đất công chặt chẽ hơn.

* Trước đây chúng ta đã từng kiểm kê, xong do không đặt riêng vấn đề đất công nên kết quả không được như ý muốn, lần này có làm chi tiết hơn không, thưa ông?

Đợt kiểm kê quỹ đất mà các tổ chức đang quản lý, sử dụng sẽ được tiến hành trên phạm vi cả nước theo từng tổ chức có quản lý, sử dụng đất trong đơn vị hành chính.

Trong đó, cấp xã (gồm xã, phường, thị trấn) là đơn vị cơ bản để tiến hành kiểm kê các tổ chức quản lý, sử dụng đất trên địa bàn. Cấp xã sẽ kiểm kê trong 5 tháng, bắt đầu từ 1-4 đến ngày 31-8-2008.

Kết quả kiểm kê cấp xã là cơ sở để tổng hợp số liệu kiểm kê cấp huyện, tỉnh và cả nước. Công việc ở cấp huyện, cấp tỉnh chủ yếu là thống kê, tổng hợp nên kéo dài trong 1 tháng ở mỗi cấp là đủ. Dự kiến, hoàn thành kiểm kê trước ngày 20-11-2008.

* Dư luận cho rằng đợt kiểm kê này sẽ mang tính chất như cuộc “thăm khám”, “bắt mạch” tình hình quản lý đất công ở các địa phương?

Quan trọng nhất là kiểm kê diện tích đất đang quản lý, sử dụng của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo mục đích sử dụng đất.

Tiếp đó, hiện trạng diện tích tính theo loại đất của các tổ chức phải được đối chiếu giữa hồ sơ giao đất, cho thuê đất, hồ sơ địa chính, các số liệu kiểm kê đất đã có trước đây và hiện trạng sử dụng đất trên thực tế.

Điểm khó nhất là phần thuyết minh tình hình sử dụng đất, những tranh chấp; lấn, chiếm và việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

* Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là những địa bàn có lịch sử nhà đất rất phức tạp, theo ông, việc kiểm kê có đạt được kết quả như mong muốn không?

Đứng về mặt quản lý thuần túy, nếu mọi người và mọi tổ chức chấp hành nghiêm luật pháp thì việc kiểm kê ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh cũng tương tự những thành phố hoặc tỉnh thành khác.

Khó khăn gặp phải ở các thành phố lớn trong đợt này chính là nhiều khi các phường, xã ngại va chạm nên kiểm kê không đầy đủ hoặc cơ quan, tổ chức kê khai bao nhiêu thì xác nhận như vậy.

* Như vậy, chẳng phải sẽ có khả năng không phát hiện được sai phạm nếu đối tượng cố tình “khai man”?

Điều này sẽ không ảnh hưởng đến kết quả kiểm kê bởi quan điểm của Bộ trong đợt kiểm kê này là tổng diện tích đất mà các cơ quan, tổ chức đang quản lý, sử dụng và kiến nghị của địa phương.

Các xã, phường chỉ cần kiểm kê tổng diện tích bên ngoài. Còn chi tiết bên trong sẽ thông qua tờ kê khai của cơ quan, tổ chức sử dụng đất. Nhà nước sẽ thanh tra, kiểm tra ngay khi phát hiện vi phạm có tính chất nghiêm trọng.

Nếu vi phạm không quá nghiêm trọng thì thông qua kiến nghị của cấp xã sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý sau.

Theo An Ninh Thủ Đô