Ông Triệu Đình (tổ trưởng tổ nhân dân số 9, xã Phạm Văn Hai) than phiền thủ tục làm giấy đỏ còn quá rắc rối. Ảnh: N.Nam. |
Từ một con kênh không có thật, các hộ không được cấp giấy đỏ. Tăng cường đối thoại với dân.
“Chúng tôi mong muốn một năm huyện đối thoại với dân hai lần như thế này để chúng tôi được trao đổi những bức xúc”. Ông Võ Đại Bộ (ấp 2, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM) phát biểu trong diễn đàn đối thoại giữa UBND huyện Bình Chánh với trưởng ấp, trưởng ban điều hành khu phố, tổ trưởng tổ nhân dân, tổ dân phố sáng 1-8.
Kênh chỉ có trên... bản đồ
Ông Triệu Đình (tổ trưởng tổ nhân dân số 9, ấp 7, xã Phạm Văn Hai) phản ánh người ấp 7 là dân kinh tế mới nông trường An Hạ, được cấp nhà ở đây từ năm 1982. Nhà được cấp lúc ấy là mái tôn, vách lá dừa, mỗi thửa đất có diện tích khoảng 1.000-1.200 m2. Khu vực này có khoảng 400 lô đất thổ cư.
Năm 2004, khi ông cùng nhiều người đi xin cấp giấy chủ quyền nhà, đất mới lòi ra là vướng con kênh rộng 4 m ngay... giữa nhà. Vấn đề là con kênh này chỉ có trên Tài liệu 299/TTg - tờ bản đồ 01 chứ không có trong thực tế.
Năm 2008, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện có văn bản chỉ đạo kiểm điểm UBND xã Phạm Văn Hai vì để dân tự san lấp kênh trên. “Xã Phạm Văn Hai quản lý nông trường An Hạ từ năm 1992, còn chúng tôi đã được cấp nhà ở đây từ năm 1982. Giả sử chúng tôi có san lấp từ trước năm 1992 thì trách nhiệm thuộc về ai? Chưa kể cùng thửa đất này lại có nhà bà Nguyễn Thị Cách đã được cấp tới năm giấy đỏ” - ông Đình thắc mắc.
Ông Đình còn than phiền thủ tục làm giấy đỏ quá rắc rối. “Tháng 6-2005, tôi nộp hồ sơ xin cấp giấy đỏ, được Phòng TN&MT huyện trả lời là phải lập lại bản vẽ (giảm bớt diện tích phần con mương chạy qua) thì mới cấp giấy đỏ. Sau khi tôi chỉnh sửa bản vẽ xong, đến tháng 3-2006, Phòng TN&MT lại có văn bản nói là đang đề xuất xóa con kênh nên chưa thể giải quyết ngay được. Tôi chờ từ đó đến nay cũng chưa thấy kết quả gì!”.
Việc cơ quan chức năng trừ diện tích con mương giữa nhà của các hộ dân cũng không thống nhất. Có nhà bị trừ 4 m, nhà thì 5 m, 10 m nhưng có nhà lại chẳng bị trừ mét nào.
Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Trần Trọng Tuấn đề nghị ông Đình cung cấp hồ sơ cụ thể để giao Phòng TN&MT giải quyết trong tháng này. Đại diện Phòng TN&MT cho rằng huyện đã thống nhất sử dụng tờ bản đồ mới năm 2003 và đã giao cho UBND xã Phạm Văn Hai thống kê danh sách các hộ nằm trong vùng ảnh hưởng của con kênh. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy xã này báo cáo danh sách.
Dự án treo: Dân sống chung với ngập
Ông Nguyễn Giải (ấp 1, xã Bình Lợi) phản ánh dự án công trình thủy lợi khu B chậm triển khai gần 10 năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp của người dân do bị ngập thường xuyên. “Rạch Ông Lung có kế hoạch nạo vét từ ba năm nay nhưng vẫn chưa làm. Việc này dẫn đến nước kênh không thoát được đã ngập cả vào nhà dân” - ông Trần Văn Luận (ấp 1, xã Vĩnh Lộc B) nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình, cho biết dự án công trình thủy lợi khu B có kinh phí khoảng 50 tỷ đồng xây đê bao chống nhiễm phèn, làm cống hộp và xây cầu. Tuy nhiên, đường đi thì tốt nhưng mặt cầu nhỏ, chỉ có 1-2 m nên không thể kết nối với đường lớn được. Chi phí bồi thường lại quá lớn, tới hơn 120 tỷ đồng.
Ông Trần Trọng Tuấn khẳng định trong tháng này, huyện sẽ làm việc với chủ đầu tư để báo cáo với thành phố chậm nhất là tháng 10-2009, dự kiến triển khai dự án vào năm 2010. “Còn rạch Ông Lung do thành phố quản lý. Đề nghị xã Vĩnh Lộc B, Phòng TN&MT kiểm tra để huyện có cơ sở đề nghị thành phố cho nạo vét” - ông Tuấn nói.
Tăng cường đối thoại với dân
Bà Thái Hồng Mai, Phó Bí thư Huyện ủy Bình Chánh, đề nghị UBND huyện tăng cường cải cách hành chính, tăng cường tuyên truyền cho các tổ trưởng tổ dân phố, ban điều hành khu phố... những kiến thức cần thiết để tuyên truyền lại cho người dân. Mặt khác, cần tổ chức thêm các diễn đàn tại các xã, ấp nhằm tránh những vấn đề bức xúc của người dân để quá lâu. Cuối tháng này, Huyện ủy sẽ tổ chức đối thoại với bí thư chi bộ ấp và khu phố.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP