Dự kiến các công trình tập trung đông người không phân biệt số tầng như chợ, khách sạn, nhà hàng, trường học... đều bị quản lý lý lịch công trình chặt chẽ. |
Khi công trình có lý lịch, nếu có cháy nổ, sập, công tác cứu nạn dễ dàng hơn.
Chỉ cần một cú nhấp chuột, mọi thông tin về các cao ốc, siêu thị, chợ búa tại TP.HCM như vị trí, thời điểm xây dựng, số tầng, quy hoạch, diện tích, xử phạt, tình trạng pháp lý, chủ sở hữu sẽ xuất hiện ngay lập tức. Nói cách khác, các công trình kiến trúc sẽ được lập lý lịch hẳn hoi.
Đó là nội dung Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất đối với dự thảo chỉ thị của UBND TP về xây dựng hệ thống thông tin liên quan đến công trình cao tầng, công trình tập trung đông người.
Không lý lịch khó quản
Từ năm 2005, việc lập lý lịch cho các công trình tại TP.HCM được đặt ra nhưng chưa thể thực hiện. Đến nay, Sở Xây dựng đã hoàn thành thống kê sơ bộ các công trình cao tầng và công trình tập trung đông người nên sẽ trở lại công việc này.
Theo Sở Xây dựng, hiện thành phố có rất nhiều công trình cao tầng, công trình tập trung đông người thuộc sở hữu nhà nước hoặc sở hữu của tổ chức, cá nhân.
“Nhiều trường hợp không còn hồ sơ, lý lịch công trình, không kiểm soát được chất lượng và thời hạn sử dụng của công trình, không đảm bảo yêu cầu về phòng chống cháy nổ, an ninh. Cũng không loại trừ khả năng công trình có nguy cơ sụp đổ, nhất là các chung cư cũ hư hỏng, sắp sập” - Sở Xây dựng nhận định.
Có lý lịch lại năm cha, ba mẹ
Đối với các công trình còn lưu giữ hồ sơ, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết việc quản lý cũng rất phân tán, không đầy đủ, nhất là bản vẽ hoàn công. Để kiểm tra bảo dưỡng, giám định nếu có sự cố hoặc khi có yêu cầu gặp rất nhiều khó khăn.
“Muốn xem lại lý lịch của công trình mất thời gian vì nhiều đầu mối quản lý, lưu trữ lại bằng giấy nên phải tìm lục lại bằng cách thủ công” - ông Nguyễn Tiến Hưởng, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và dịch vụ xây dựng (thuộc Sở Xây dựng), đơn vị soạn dự thảo trên, cho biết.
Ngay cả các công trình mới xây dựng, việc quản lý thông tin cũng không thống nhất. Giấy phép xây dựng thì do phòng quản lý đô thị cấp, nếu xây dựng sai giấy phép thì bị cơ quan thanh tra xây dựng xử phạt, xây dựng xong đăng bộ thì văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đảm nhiệm.
Tại ba cơ quan này có thể lưu giữ bản vẽ khác nhau (bản vẽ kèm giấy phép xây dựng, bản vẽ hoàn công) và cũng có thể khác hẳn với thực tế. “Chẳng hạn như chủ nhà xây khác với giấy phép xây dựng nhưng ngại không hoàn công được nên khỏi hoàn công luôn, cứ để vậy xài hoặc làm bản vẽ lụi...” - ông Hưởng nói.
Không thể để xảy ra sự cố
Một cán bộ của Sở Xây dựng TP.HCM thừa nhận hiện nay chưa thể quản lý được công trình cấp phép xong thì triển khai ra sao, có hoàn công hay không, thậm chí có bao nhiêu công trình trên chín tầng cũng chưa chắc thống kê chính xác.
“Trong khi đó, nước Pháp làm rất tốt việc này. Hiện nay, một số công trình do công ty của Pháp xây dựng ở Việt Nam thỉnh thoảng lại nhận được thư từ bên đó gửi sang thông báo đã hết tuổi thọ. Điều này chứng tỏ họ quản lý các sản phẩm của mình cực kỳ chặt chẽ” - ông Hưởng kể.
“Nếu thành phố không có đầy đủ hồ sơ kỹ thuật các công trình nói trên, khi có sự cố thì tổn thất sẽ rất lớn và khó lường. Thành phố đã có một số sự cố đáng tiếc như cháy Trung tâm thương mại ITC, cháy chợ An Đông, cháy rạp hát Long Vân, chưa kể vấn đề khủng bố, an ninh trong tương lai cần phải tính đến” - Sở Xây dựng nhận định.
Một đầu mối quản lý
Theo dự thảo chỉ thị, các công trình từ chín tầng trở lên (không kể hầm, tầng lửng), công trình tập trung đông người không phân biệt số tầng (như chung cư, ký túc xá, trường học, bệnh viện, chợ, siêu thị, khách sạn, nhà hàng, rạp chiếu phim, công trình tôn giáo...) đều phải có lý lịch công trình.
Lý lịch công trình được giao cho một đơn vị lưu trữ là Trung tâm Thông tin và dịch vụ xây dựng. Các thông tin cơ bản của công trình như quy hoạch, chỉ tiêu kiến trúc, kết cấu, chất lượng, hạ tầng kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy, thoát hiểm... sẽ được trung tâm lưu giữ trong máy tính để khi có việc thì có thể trích lục ra xem ngay.
Dự kiến thời gian hoàn tất việc lập lý lịch công trình là 18 tháng kể từ ngày chỉ thị được thông qua. Sở Xây dựng sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện của TP.HCM tổng hợp thực hiện. Dự thảo này đang được Sở Tư pháp thẩm định lần nữa trước khi trình UBND TP thông qua.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP