Số liệu Bộ Xây dựng cung cấp cho thấy, hiện có hơn một triệu người đang sống tại gần 1.700 khu chung cư cũ trên cả nước. Việc cải tạo các chung cư cũ bị hư hỏng để đảm bảo cuộc sống cho hơn 1 triệu người dân đang là bài toán khó đối với cơ quan chức năng.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, năm 2014 Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có 1.688 chung cư cũ.
Cụ thể, tại Hà Nội con số này là 1.155 nhà chung cư, trong đó phần lớn được xây dựng trước năm 1990, tập trung tại các quận nội thành cũ. Tại thành phố Hồ Chí Minh có 533 nhà chung cư được xây dựng từ trước năm 1975. Trong đó, 103 lô chung cư bị hư hỏng, xuống cấp với tổng số 11.070 hộ dân.
Đánh giá về thực trạng tại các chung cư cũ, Bộ Xây dựng cho biết, trong quá trình sử dụng, các hộ gia đình đã tự cơi nới, lấn chiếm diện tích đất trống, sân chung. Do vậy đến nay phần lớn diện tích xây dựng cũng như dân số trong các khu chung cư cũ đã tăng gấp 1,5 đến 2 lần so với thiết kế ban đầu.
Hơn 1 triệu người dân đang sống ở các khu chung cư cũ (Ảnh minh họa)
|
Cũng theo Bộ Xây dựng, hiện chưa có số liệu thống kê chính thức về số dân đang sống tại các khu chung cư cũ tại Việt Nam, nhưng sơ bộ có thể ước tính có tới hơn một triệu người đang sống tại gần 1.700 khu chung cư cũ trên cả nước.
Việc cải tạo chung cư cũ để đảm bảo cuộc sống cho hơn 1 triệu người dân là bài toán khó cho các nhà chức trách.
Nói về chính sách tái thiết chung cư cũ, TS Phạm Sĩ Liêm cho rằng: “Chính sách tái thiết chung cư cũ hiện hành quá đề cao vai trò của nhà đầu tư tư nhân mà thiếu coi trọng đúng mức vai trò của cộng đồng chung cư, còn vai trò của chính quyền đô thị lại chưa thật rõ ràng… Vì vậy, phương thức để vượt qua các thách thức cần được triển khai theo phương châm mới là: Cộng đồng chung cư làm chủ, chính quyền đô thị tạo điều kiện và giúp đỡ, doanh nghiệp bất động sản tham gia”.
Còn ông Trần Ngọc Hùng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam khi nói về tình trạng đền bù giải phóng mặt bằng để tái thiết các khu chung cư cũ giai đoạn vừa qua cũng nhấn mạnh: “Phải làm rõ trách nhiệm, quyền lợi của người dân, đặc biệt lưu ý các đối tượng lấn chiếm các diện tích tầng 1, tầng mái và xử lý kiên quyết”.
Th.S Nguyễn Hồng Hạnh khi nói về cải tạo chung cư cũ lại nhấn mạnh việc tạo không gian công cộng cho người dân.
“Tái thiết chung cư cũ cần nâng cao hệ số sử dụng đất, giảm độ XD với khả năng dung nạp không vượt quá 10-20% để tạo thêm các không gian công cộng như cây xanh, thảm cỏ, vườn hoa, đường dạo...”, Th.S Nguyễn Hồng Hạnh nói.
Nhìn chung khi nói về tái thiết chung cư cũ, các chuyên gia đều thống nhất quan điểm tạo không gian sống công cộng và vui chơi để người dân có không gian sống tốt nhất. Tuy nhiên, giải pháp đưa ra cho việc cải tạo chung cư cũ lại là câu chuyện không mấy dễ dàng.
“Cần một nghiên cứu nghiêm túc để các bên cùng nhận thấy rằng, không gian công cộng sẽ là cứu cánh cho các dự án BĐS nói chung và các dự án tái thiết chung cư cũ nói riêng. Không gian công cộng làm gia tăng giá trị BĐS đồng thời tăng giá trị sống của đô thị, tạo nên tính hấp dẫn của thành phố... Nơi nào có sáng tạo hơn trong loại hình dịch vụ không gian công cộng sẽ có sức hấp dẫn hơn”, kiến trúc sư Trần Huy Ánh nhấn mạnh.
DiaOcOnline.vn - Theo Gia đình Việt Nam