Nói về tình trạng người dân bị “hành” vì thủ tục hành chính liên quan các lĩnh vực nhà đất, xây dựng, ông Nguyễn Đức Chính, Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM cho rằng: “ Không nói đến hồ sơ đã dầy đủ nhưng vẫn giải quyết chậm, chỉ nói đến hành trình để hoàn thành được bộ hồ sơ, “trần ai” lắm!
Bổ túc hồ sơ : chuyện dài nhiều kỳ
Sau gần nửa năm bổ túc hồ sơ, bà Phạm thị Bảy, ngụ phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả quận nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, đất ở theo quy định mới ( gọi tắt là giấy hồng). Cầm tờ giấy hẹn nhận giấy ngày 10-10, bà mừng quýnh. Nhưng còn ba ngày nửa đến hẹn bà nhận được thư ( qua đường bưu điện) của phòng TN- MT quận đề nghị bổ sung thêm hai nội dung. Đến nay, bà vẩn loay hoay vì chưa làm xong. Theo quy định, hồ sơ của bà sẽ bị trả lại. Theo phản ánh của cử tri, rất nhiều người dân ở các quận huyện khác cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự…
Về phía quận huyện, hầu như đơn vị nào cũng thừa nhận dù quy định chỉ được bổ túc hồ sơ một lần trong vòng 15 ngày ( kể từ ngày nhận) nhưng chuyện bổ túc nhiều lần lại là… bình thường! Chị Trần Thị Tâm, tổ trưởng tổ nghiệp vụ hành chính công (TNVHCC ) quận 11 thừa nhận, trong lĩnh vực nhà đất,có trường hợp phải bổ túc nhiều lần, vượt quá thời gian quy định. Chủ tịch UBNN quận Bình Thạnh Nguyễn Quốc Hùng cũng cho biết: “Tình trạng trả đi trả lại hồ sơ nhiều lần là có thật, thậm chí có trường hợp bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phải trả đi trả lại đến 5 lần!”.
Hành trình nhiêu khê.
Tìm hiểu quy trình thụ lý hồ sơ trong lĩnh vực nhà đất ở quận Bình Thạnh, chúng tôi cũng “toát mồ hôi hột” vì nó quá phức tạp! Đầu tiên bộ phận tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ (1 ngày), chuyển qua Tổ hành chính nhận hồ sơ và phân công cán bộ thụ lý pháp lý (5 ngày) rà soát thủ tục, rồi chuyển lại cho tổ hành chính xem xét (2 ngày). Sau đó hồ sơ lại được chuyển đến cán bộ thụ lý kỹ thuật (7 ngày) để xem xét các yếu tố kỹ thuật, rồi chuyển cho nhóm trưởng địa bàn thụ lý (4 ngày). Xong, chuyển lại cho bộ hành chính phân loại, hồ sơ nào được giải quyết sẻ chuyển cho tổ cấp số nhà.
Những hồ sơ không đạt yêu cầu hoặc phải bổ túc mới được xem xét để trình lãnh đạo có ý kiến (4 ngày). Sau đó để lãnh đạo phòng phụ tráchkiểm tra lại hồ sơ (6 ngày), hồ sơ lại được chuyển qua Tổ hành chính để tiếp nhận, phân loại cần bổ túc (2 ngày). Sau nhiều công đoạn chuyển qua chuyển lại, hồ sơ đạt yêu cầu, sẽ được trình lãnh đạo quận ký (3 ngày).
Lãnh đạo quận ký xong lại tiếp tục được chuyển cho tổ hành chánh tách hồ sơ, ghi số (2 ngày). Chuyển cho văn phòng UBND quận đóng dấu (2 ngày). Hồ sơ hoàn thành, được chuyển trở ra bộ phận tiếp nhận và trả kết quả kiểm tra (1 ngày), trước khi trả giấy chứng nhận cho dân! Vì thế, khi một thành viên trong chuổi hệ thống này bị gián đoạn công việc (họp, nghỉ phép, bệnh…) thì ngay lập tức hồ sơ sẻ bị ùn ứ dẩn đến trễ hẹn. “ Đã mấy lần tôi xin nghỉ phép vẫn chưa được duyệt vì sợ hồ sơ ùn ứ, tăng hồ sơ trễ hẹn nữa” – Tổ trưởng TNVHCC quận 11 than.
Việc kiểm tra phiên bản vẽ của quận huyện cũng rất chậm do thiếu cán bộ có chuyên môn, cũng dẫn đến hồ sơ trễ hẹn. Quận 11 sơ kết 3 tháng việc cấp giấy hồng mới, có đến 100% bản vẽ bị trễ hạn khi thẩm định, trong đó hơn 96% bản vẽ tồn tại theo Quyết định 207 bị trễ hạn, làm người dân phải đi lại nhiều. Hậu quả là trong 3 thángchỉ giải quyết được 914/1.250 hồ sơ, trong khi theo ước tính tổng số nhà cần cấp giấy chứng nhận ở quận khoảng 36.682 căn… Quận Bình Tân thì cho biết, chỉ riêng khâu cấp giấy hồng mới, mỗi tuần quận nhận khoảng 400 hồ sơ, trong khi khả năng thụ lý của cán bộ chỉ bằng 1/3 con số này.
Phải “ dứt điểm” từ khâu tiếp nhận!
Thực tế hiện nay, số lượng cán bộ trực tiếp nhận hồ sơ đật yêu cầu…còn khá khiêm tốn. Theo Giám đốc Sở Nội vụ Châu Minh Tỷ: “ Chỉ tính riêng 2 lĩnh vực xây dựng và nhà đất, nếu tính ngay từ hồ sơ nhận vào thì chắc chảng anh nào giải quyết tỷ lệ quá 50%!”, thấp xa so với báo cáo 70%, 80%, 90% của nhiều nơi. Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Đức Chính cũng cho rằng, nếu không đột phá vào khâu tiếp nhận hồ sơ, bao gồm cả bố trí cán bộ đủ điều kiện thì người dân vẫn còn vất vả nhiều.
Trong khi đó, theo điều 11, Quy định 93 về một cửa, một cửa liên thông của thủ tướng chính phủ ban hành ( đã có hiệu lực) thì, “khi người dân, tổ chúc đến nộp hồ sơ, cán bộ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả có trách nhiệm xem xét nếu hồ sơ chưa đúng, chưa đủ theo yêu cầu quy định thì hướng dẫn cụ thể một lần, đầy đủ để cá nhân, tổ chức bổ sung hoàn thành”. Nhưng thực tế tại quận huyện, nếu triển khai đúng tinh thần của quy định thì khó tìm được chỗ nào có một người đạt được trình độ: am tường nhiều lĩnh vực, phân biệt hồ sơ đạt hay không đạt để yêu cầu bổ sung!
“Một cửa” chỉ có nghĩa là nộp đơn và lấy kết quả tại một chỗ; còn giải quyết thì vẫn do các nơi khác nhau làm theo chức năng quản lý của mình. Chừng nào, “đường đi” của một bộ hồ sơ trong lĩnh vực nhà đất vẫn chưa được cải tiến theo hướng tinh giản đầu mối, thì chừng ấy, không chỉ người dân mà chính quyền địa phương cũng đều loay hoay vất vả. Và như thế, cải cách hành chính còn lâu mới có hiệu quả!
Theo Sài Gòn Giải Phóng