Top

Hạn chế “bơm” vốn địa ốc, coi chừng quá liều!

Cập nhật 23/02/2008 14:00

Sẽ áp dụng tính tiền sử dụng đất theo phương pháp “cắt lớp”, càng vào sâu càng giảm.

Để trấn an nỗi hoang mang của giới đầu tư bất động sản sau khi ngân hàng đưa ra biện pháp phát hành tín phiếu nhằm hạn chế “bơm” vốn cho thị trường bất động sản, ngày 22-2, lãnh đạo UBND TP.HCM đã có buổi đối thoại với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Ông Lê Hoàng Châu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đưa ra nhiều kiến nghị: Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp trong việc di dời nếu doanh nghiệp đã bồi thường được từ 80% diện tích đất dự án trở lên; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để đẩy nhanh quá trình duyệt và triển khai thực hiện các dự án đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, nói thêm: Thị trường bất động sản Việt Nam còn rất non trẻ. “Cơ quan quản lý đưa ra chính sách nhằm quản lý thị trường để tránh nguy cơ bong bóng là cần thiết nhưng biện pháp quá liều thì liệu có ổn? Hiện các doanh nghiệp bất động sản vừa và nhỏ chiếm khoảng 60%-70%, can thiệp không khéo thì toàn bộ thị trường sẽ rơi vào tay nước ngoài”.

Cũng theo ông Đực, việc ngân hàng hạn chế cho vay để kinh doanh bất động sản và tăng lãi suất đã khiến các doanh nghiệp không thể xoay đâu ra tiền để triển khai dự án. Với sự siết chặt này, nhiều doanh nghiệp sẽ phải bán sang tay dự án theo kiểu “bỏ của chạy lấy người”.

Sau khi nghe các ý kiến, ông Nguyễn Hữu Tín - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM ủng hộ những nguyện vọng của các doanh nghiệp bất động sản. Ông Tín cho biết thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nhanh chóng tạo mọi điều kiện thuận lợi, giải quyết các vướng mắc, đồng thời phải xử lý nghiêm các trường hợp cố tình gây khó dễ cho doanh nghiệp.

Đối với đề xuất chỉ tính tiền sử dụng đất mặt tiền đối với phần diện tích dự án có chiều sâu 30 m từ ranh lộ giới, những phần tiếp theo thì tính giá thấp hơn, ông Tín cho hay sẽ giao cho các sở ngành rà soát lại và áp dụng “phương pháp cắt lớp” đối với dự án - càng vào sâu thì tiền sử dụng đất càng giảm.

Theo Pháp Luật TP.HCM