Top

Hải Phòng: Dở dang dự án nhà ở

Cập nhật 29/04/2008 16:00

Sau khi Hải Phòng có chủ trương mở rộng đường 353 Cầu Rào - Đồ Sơn và phát triển khu đô thị hai bên đường vào đầu những năm 2000, hàng loạt doanh nghiệp tranh nhau “nhảy” vào đây, đầu tư xây dựng khu đô thị, nhà ở để kinh doanh, với quy mô từ vài chục đến vài trăm héc-ta.

Đã có có ít nhất 7 dự án khu nhà ở tại xã Anh Dũng, huyện Kiến Thụy và 1 dự án Khu đô thị Nam sông Lạch Tray của các đơn vị: Công ty Đầu tư và Xây dựng 573, Công ty TNHH Sao Đỏ, CTCP Xuất nhập khẩu - Đầu tư và Hợp tác quốc tế TP.HCM (Gelexim), Công ty Thương mại Thuỷ Nguyên, Công ty Xây lắp và Vật liệu xây dựng số 5, CTCP Đầu tư xây dựng số 5, Công ty TNHH Mê Linh... Tuy nhiên, đến nay, đã gần chục năm trôi qua, nhưng chưa khu nhà ở và đô thị nào hoàn thành. Dự án triển khai tốt mới xây được 1/3 diện tích, còn lại phần lớn mới chỉ hoàn thành cơ sở hạ tầng. Hàng trăm héc-ta đất để hoang cho cỏ mọc.

Các dự án ở những địa điểm khác của Hải Phòng cũng rơi vào tình trạng tương tự, như Khu đô thị Cựu Viên, Khu đô thị Hồ Sen - Cầu Rào 2, Khu đô thị Ngã Năm - Sân bay Cát Bi, Khu đô thị PG An Đồng, Khu đô thị nối đường Lạch Tray với đường Hồ Sen - Cầu Rào 2...

Báo cáo được cho là mới nhất và đầy đủ nhất về các dự án phát triển nhà của Hải Phòng là từ tháng 4/2004. Theo đó, Thành phố cảng có 261 dự án phát triển nhà, với tổng diện tích 1.399 ha của 113 đơn vị tham gia, trong đó có hàng chục dự án phát triển nhà và khu đô thị mới có quy mô từ 10 ha trở lên.

“Đến nay, số dự án hầu như không tăng thêm, mà thậm chí còn giảm, do một số dự án bị thu hồi vì không triển khai”, một cán bộ Phòng Quản lý nhà (Sở Xây dựng Hải Phòng) cho biết. Vị cán bộ này còn khẳng định, hầu hết các dự án phát triển nhà và đô thị của Hải Phòng đều chậm, trong đó, không ít dự án chỉ được đầu tư cơ sở hạ tầng rồi bán lại.

Theo một số chuyên gia bất động sản và các nhà đầu tư, nguyên nhân của tình trạng trên trước hết là cung - cầu không tương thích. Ông Nguyễn Ngọc Thành, Giám đốc CTCP Xây dựng và Phát triển cơ sở hạ tầng cho biết, tình trạng các dự án tại Hải Phòng bị chậm trễ, kéo dài là do mặt bằng thu nhập của người dân thấp, dẫn đến cầu rất thấp, trong khi năng lực của chủ đầu tư còn hạn chế.

Chủ đầu tư một dự án than thở: “Hầu hết các chủ đầu tư các dự án phát triển nhà và đô thị đều không có đủ vốn để thực hiện dự án, mà chủ yếu dựa vào vốn huy động từ những người có nhu cầu mua nhà. Do vậy, nếu không huy động được vốn thì chủ đầu tư cũng đành bó tay”.

Một nguyên nhân nữa là công tác giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Dự án Khu nhà ở phường Đông Hải do CTCP Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Hải Phòng (PTS Hải Phòng) làm chủ đầu tư là một ví dụ. Dự án này có diện tích 10.000 m2, được triển khai từ năm 2004, nhưng đến nay vẫn còn 20% diện tích đất chưa thể giải phóng mặt bằng, do phần đất này là đường trục chính của khu nhà ở, khiến chủ đầu tư không có đường để thi công, còn khách hàng thì không dám đăng ký mua, vì chưa có đường đi. Do vậy, dự án cứ kéo dài hết năm này sang năm khác.

“Công ty đã đầu từ 40 tỷ đồng để đền bù, xây dựng cơ sở hạ tầng, nộp tiền thuê đất..., nhưng do không giải phóng được mặt bằng, nên dự án bị kéo dài, gây thiệt hại không nhỏ cho chúng tôi và ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Thành phố”, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc PTS Hải Phòng bức xúc.

Xem ra, với tình hình thị trường bất động sản còn ảm đạm và với những khó khăn trong giải phóng mặt bằng của Hải Phòng hiện nay, các dự án phát triển nhà và đô thị của địa phương này chắc còn kéo dài.

Theo Báo Đầu Tư