UBND quận Cầu Giấy (Hà Nội) vừa phê duyệt quy hoạch chợ và trung tâm thương mại Nghĩa Tân cao 9 tầng, có 2 tầng hầm thay cho chợ Nghĩa Tân cũ. Mật độ xây dựng 40% trên tổng diện tích gần 5.500m2
Chiều 11/4, ông Nguyễn Lễ, Phó chủ tịch UBND quận Cầu Giấy khẳng định, chợ và trung tâm thương mại Nghĩa Tân đi vào hoạt động, ngoài sắp xếp ổn định lâu dài cho các hộ kinh doanh (chợ Nghĩa Tân cũ) mỗi năm sẽ đóng vào Ngân sách nhà nước hơn 10 tỷ đồng.
Ông Lễ cho rằng, việc chuyển đổi mô hình quản lý cũng như xây dựng lại chợ, trung tâm thương mại theo quyết định của UBND thành phố là hoàn toàn hợp lý. Theo mô hình UBND quận Cầu Giấy phê duyệt, chợ và trung tâm thương mại Nghĩa Tân cao 9 tầng, có 2 tầng hầm. Mật độ xây dựng 40% trên tổng diện tích gần 5.500m2
Theo ông Lễ, thời điểm này quận đã nhận được 6 bộ hồ sơ dự thầu và đang lựa chọn nhà đầu tư thích hợp để tiến hành xây dựng chợ - văn phòng và trung tâm thương mại Nghĩa Tân. Trong thời gian xây dựng chợ, bà con tiểu thương không muốn tiếp tục kinh doanh sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí.
"Quận chưa khẳng định được khi nào xây xong chợ tạm. Muốn có mặt bằng xây chợ tạm phải tiến hành giải phóng mặt bằng bãi đỗ xe Dịch Vọng và gần 30 hộ dân gần đây", ông Lễ nói.
Trả lời câu hỏi tính hiệu quả các chợ sau khi chuyển đổi thành trung tâm thương mại, ông Phạm Quốc Bản, Phó ban Tuyên giáo Thành ủy thừa nhận tình trạng một số chợ sau khi chuyển thành trung tâm thương mại hoạt động chưa hiệu quả. Tuy nhiên, ông Bản cho rằng, khi xây dựng lại, chợ Nghĩa Tân chắc chẵn sẽ hút một lượng khách lớn.
Trước đó, sáng 31/3, các hộ kinh doanh chợ Nghĩa Tân đồng loạt bãi thị đòi kéo dài thêm thời gian xây dựng lại chợ từ 5-7 năm. Theo các hộ kinh doanh, thu nhập của đại bộ phận người dân chưa cao nên họ ngại vào những trung tâm thương mại.
Theo lộ trình, từ 2007- 2010, quận Cầu Giấy sẽ tiến hành xong việc chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý chợ.