Top

Hà Nội : Cung văn hoá hay là chợ trời?

Cập nhật 21/04/2008 09:00

Kỳ 2: Đất “vàng” cho thuê với giá “bèo”!

Với diện tích rộng trên 31.000m2, nằm ở vị trí đắc địa, từ nhiều năm nay, những người quản lý Cung Văn hoá Hữu nghị Hà Nội đã tìm mọi cách để có thể thu lợi từ khối tài sản công lớn này. Liệu hàng ngàn mét vuông đất, nhà, hành lang của Cung bị “xẻ thịt” cho tư nhân thuê với giá “bèo” có bị xử lý?

Giá thuê rẻ như cho

Một điều thật khó hiểu là với vị trí “vàng” bởi có nhiều lợi thế, nằm ngay trung tâm Thủ đô, bốn mặt bao quanh tiếp giáp các tuyến phố chính, thuận lợi cho việc buôn bán kinh doanh nhưng giá cho thuê lại quá rẻ.

Tuy không đưa ra con số chính thức nhưng một cán bộ công tác lâu năm ở Cung cho chúng tôi biết giá thuê bình quân đối với văn phòng chỉ có 10 USD/m2.

Các diện tích phụ, sân, nhà kho giá còn rẻ hơn, khoảng 8 USD/m2. Nhân viên này cũng tiết lộ, mức giá thuê này hầu như được áp dụng cho tất cả các vị trí nhà đất cho thuê, kể cả những mặt đưòng lớn thuận tiện cho việc kinh doanh như mặt đường Yết Kiêu, Trần Quốc Toản, Trần Bình Trọng.

Được ưu ái như vậy, mặc dù thuê diện tích hàng trăm mét vuông, các đơn vị thuê đất ở đây chỉ phải trả từ 10 triệu đến vài chục triệu đồng/tháng. Cũng vì với giá “bèo”, mà các đơn vị này chỉ phải bỏ ra một khoản tiền nhỏ là được sử dụng một diện tích lớn tới hàng trăm mét vuông, trong khi nhiều cơ quan của thành phố đang rất thiếu trụ sở để làm việc, hoặc phải đi thuê với giá cao hơn nhiều lần.

Theo một thống kê chưa đầy đủ, phần hành lang, khuôn viên Cung đã cho hàng chục đơn vị thuê với diện tích hàng trăm m2/đơn vị. Chẳng hạn, Cty Vĩnh Trinh được thuê diện tích làm văn phòng lớn nhất: 510m2, Cty DIETHELM: 532m2, Cty Kiến trúc phong cảnh Anh Khang: 476 m2. Cty thuê diện tích nhỏ nhất là FPT là 48 m2.

Về thời điểm, hầu hết các Cty đều đã thuê diện tích sử dụng từ nhiều năm nay, một số hợp đồng từ năm 2002. Tuy nhiên, ngay cả những hợp đồng ký gần đây, giá thuê cũng chỉ có 8-10 USD/m2. Trong khi đó, ngay bên kia đường Yết Kiêu, hoặc Trần Hưng Đạo giá thuê văn phòng đều có giá thấp nhất từ 20-30 USD m2.

“Với giá thuê như vậy, nhưng nhiều Cty cũng không muốn thuê đâu”-Bà Vũ Tường Vân, Trưởng phòng Tài vụ Cung phân bua. Đáng lưu ý, để tận thu từ việc cho thuê, lãnh đạo cũng còn cho phép ký những hợp đồng ngắn hạn (2 tháng) đối với quán cà phê như Hoa Sữa; vườn Hoàng Lan... phía Trần Bình Trọng.

Biến tướng sai phạm

Do bị “xẻ thịt” để cho thuê bừa bãi, nhiều năm qua, toàn bộ Cung Văn hoá Hữu nghị Hà Nội trở thành một thứ na ná chợ trời từ kinh doanh hàng ăn, bia hơi đến cà phê và máy tính! Nhiều người dân đến đây phàn nàn không thể nhận ra bộ mặt một tụ điểm văn hóa.

Bác Nguyễn Lương, một người dân cho biết: “Trước đây, các mặt Cung rất thông thoáng, nay nhếch nhác, nhem nhuốc quá”. Theo lãnh đạo Cung thì hai năm qua Ban Giám đốc đã cố gắng có những thay đổi để trả lại bộ mặt khang trang cho Cung văn hoá. Thế nhưng, dường như đó chỉ là sự biến tướng, tinh vi hơn, nhằm hợp thức việc cho thuê nhà, đất công.

Có thể kể ra một loạt việc làm mà lãnh đạo Cung “khoe” như: Đã dẹp quán bia hơi Trâm Bầu, đóng cửa “Nhà Xinh” phía góc đường Trần Quốc Toản. Ngoài ra, phía đường Yết Kiêu cũng không còn tồn tại nhà hàng Đại tửu lầu, một thời án ngữ phía tây Cung.

Thế nhưng, ngay sau khi những quán bia, nhà hàng trên bị dẹp, người ta lại thấy mọc lên những công trình đồ sộ hơn. Trâm Bầu, Nhà Xinh được thay bằng Nhà triển lãm cao tới 15m (phần lõi) trên diện tích sàn hơn 4.500m2; Hay câu lạc bộ khiêu vũ Vệ Nữ…

Còn nhà hàng Đại tửu lầu được thay bằng sàn bi da Carmen rộng 900m2! Với diện tích lớn như vậy, Cty thuê diện tích này cũng chỉ phải trả có 20 triệu đồng/tháng. “Giá thuê như vậy là vì có tính đến việc Cty này phải bỏ chi phí để làm toàn bộ sàn bi da này”- bà Vũ Thị Tường Vân cho biết.

>Cung văn hóa hay chợ trời? Kỳ 1.

Theo Tiền Phong