Top

"Lên" Thủ đô: Người Hoà Bình đua nhau bán đất

Cập nhật 21/04/2008 08:00

Cách đây chưa đầy một tháng, giá đất chỉ tầm 20 triệu đồng/m mặt tiền nhưng mới đây đột ngột tăng giá lên gấp đôi, thậm chí có nơi lên đến 150 triệu đồng. Người dân rộ lên phong trào bán nhà, bán đất. Đó là hiện tượng “sốt” đất ở các xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung (huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình) sau khi có thông tin sát nhập vào Thủ đô Hà Nội.

Nông dân đến lúc đổi đời (!?)

“Khổ nhiều rồi, chắc giờ đến lúc sướng”. Đó là câu nói của cụ bà Quách Thị Dậu (xã Đông Xuân, huyện Lương Sơn) khi PV hỏi về việc bán đất của nhà cụ.

Gương mặt cụ rạng rỡ với nụ cười chân thật của phụ nữ người Mường. Từ khi biết tin gia đình mình sắp trở thành người thủ đô cho đến nay, nhà cụ đã bán đi hơn 2/3 diện tích đất ở và chuẩn bị xây nhà, mua xe cho con trai.

Cụ ông Bùi Xuân Tiến (chồng bà Dậu) tay bế đứa cháu đích tôn tròn 6 tháng tuổi hồ hởi: “Các chú xem, xưa nay nhà tôi chỉ biết làm nông, đầu tắt mặt tối chỉ đủ sống qua ngày. Bây giờ ông trời thương, Nhà nước thương cho về với Thủ đô, đất đai lên giá thì tội gì không bán bớt đi mà xây cái nhà ở cho thoải mái".

Rồi ông Tiến bảo:"Nhà tôi còn thừa ra 8m đất mặt đường, nếu các chú có nhu cầu thì tôi đây bán luôn, giá 1m mặt đường có chiều sâu 30m là 70 triệu đồng. Đấy là còn rẻ chứ nhà bà Lan bên cạnh có hơn 30m mặt tiền, bà ấy đòi 150 triệu/m mà đã có nhiều người hỏi mua lắm rồi các chú ạ!”.

Nếu bán được đất với giá đó thì đúng như bà con trong xã nhận xét, bà Lan trong phút chốc đổi đời.

Không thể tin nổi là giá đất đai tại 4 xã này lại tăng khủng khiếp như vậy. Để mục sở thị, phóng viên đã vào vai những người đi mua đất hỏi thăm tình hình thì mới hay, khắp làng trên xóm dưới hầu như nhà nào cũng có đất để bán. Nhà ít thì dăm mười mét, nhiều thì vài ba chục đến năm sáu chục mét. Khách mua đất chủ yếu là người từ Hà Nội lên.

Nhiều người bán, lắm người mua, tạo nên một không khí “sốt” đất chưa từng có các xã nông thôn vùng bán sơn địa này.

Dọc hai bên đường liên xã từ Đông Xuân đến Yên Trung, người dân thi nhau xây tường rào bao bọc mảnh đất của nhà mình, cốt làm sao cho vuông vức, cho mảnh đất nhà mình thêm đẹp mắt thì bán càng được giá.

Anh Trường (chủ cửa hàng thuốc thú y ở xã Yên Bình) dẫn chúng tôi đi một số nhà có đất bán: “Các anh mà vào đây sớm thì sẽ mua được đất với giá rẻ hơn, dạo trước tết giá đất ở khu vực này chỉ từ 15-20 triệu/m mặt đường. Bây giờ thì không có giá đó nữa đâu, nhà nào cũng hét từ 35-40 triệu. Đấy là vì xã em nằm sâu vào trong núi, xa đường quốc lộ, chứ bây giờ ở bên Tiến Xuân và Đông Xuân người ta bán hết cả rồi. Nếu muốn mua đất bên đó, các anh phải mua lại của những tay buôn đất thì giá so với lúc đầu còn kinh khủng hơn rất nhiều”.

Dẫn chúng tôi vào nhà anh Mạnh (xã Yên Bình) anh Trường giới thiệu nhà này có 34m đất mặt tiền, chiều sâu cỡ 50m. Anh chị ấy muốn bán hết để về ở với ông bà nội, vì đất đang có giá.

Anh Mạnh cương quyết với giá 40 triệu đồng/m chiều ngang. Tính sơ sơ nếu bán được, vợ chồng anh thu về hơn tiền tỷ, điều mà trước đây vợ chồng anh chưa hề dám mơ tới.

Tư vấn nhà đất mọc như nấm

Tại đoạn đường quốc lộ 21 rẽ vào 4 xã Tiến Xuân, Đông Xuân, Yên Bình và Yên Trung có chiều dài khoảng 1km, chúng tôi ngỡ ngàng khi đếm được trên dưới 50 tấm biển quảng cáo với những cái tên khá lịch lãm “Tư vấn nhà đất”, “Thông tin nhà đất”… Đây có lẽ là thay đổi dễ nhận thấy nhất của địa phương này kể từ khi có thông tin được sáp nhập vào Thủ đô.

Không biết nên gọi là trung tâm hay là văn phòng, vì có một số tấm biển đặt ngay trước những quán bán hàng. Anh Trường cho biết: “Trước đây đất đai khu này trầm lặng lắm, các dịch vụ đó chỉ mới xuất hiện gần đây thôi nhưng phát triển nhanh lắm. Nếu họ môi giới cho nhà nào mà thành công thì chí ít cũng được mỗi bên chi cho một vài phần trăm, trung bình sau mỗi vụ thu vào cũng vài chục triệu…”.

Rẽ vào một địa chỉ tư vấn nhà đất, chúng tôi được chủ nhà đon đả: “Các anh có nhu cầu mua hay bán đất? Chúng tôi có thể lo được tất cả… Mua đất thì các anh cứ yên tâm, chúng tôi sẽ làm từ A đến Z, xong xuôi giao sổ đỏ đàng hoàng”.

Người dân có đất nếu muốn bán mà chưa tìm được mối thì họ tìm đến các dịch vụ môi giới. Người mua đang dò dẫm trước thị trường đất mới lạ này cũng tìm đến các nhà tư vấn đất đai để được hướng dẫn. Chính vì thế, thị trường đất đai ở đây là mảnh đất màu mỡ đang vào mùa cho các nhà tư vấn gặt gái.

Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung có diện tích 8.800ha với hơn 20.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Mường chiếm 70% dân số. Sáp nhập vào Hà Nội, hầu hết tinh thần người dân nơi đây đều lạc quan phấn khởi.

Trong khi nhiều người dân đang còn bỡ ngỡ vì chưa hình dung được bước tiến của địa phương thì bên cạnh họ đã diễn ra một làn sóng làm ăn đến chóng mặt. Không ít gia đình chưa thành người Thủ đô đã trở thành đại gia.

Tuy nhiên, không hẳn tất cả mọi thứ đều cứ thế xuôi chèo mát mái. Như lời ông Bí thư Đảng ủy xã Yên Trung Đinh Quang Thọ: “Xã chúng tôi có 83% dân số là người Mường, thu nhập bình quân đầu người là 6,6 triệu đồng/năm, toàn xã gồm 700 hộ thì có 70 hộ nghèo. Người dân trong xã trước giờ chỉ biết sống bằng nghề chăn nuôi và nông nghiệp, nay chuyển về Hà Nội thì sẽ được đầu tư hơn trong lĩnh vực công nghiệp và du lịch. Cái khó khăn trước mắt là người dân chưa thể bắt nhịp được với môi trường lao động công nghiệp”.

Khi bán hết đất, người dân sẽ sống dựa vào đâu? Đó là câu hỏi chưa dễ trả lời, khi mà phần lớn người dân vùng đất này vốn quanh năm đầu tắt mặt tối, sắp tới sau một đêm ngủ dậy, đã có thể thành người Thủ đô.

Theo VietNamNet