Top

Góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Hạn mức giao đất nông nghiệp quá lớn

Cập nhật 05/04/2013 11:40

Về hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân quy định trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là mở rộng hơn so với quy định trong Luật Đất đai hiện hành.

Tuy nhiên, vấn đề hạn mức giao đất nông nghiệp và cho người nước ngoài thuê đất có mặt nước ven biển cần được xem xét lại.

Nhiều điểm mới

Khoản 5 Điều 124 của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có  quy định: “Hạn mức giao đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước thuộc nhóm đất chưa sử dụng cho hộ gia đình, cá nhân đưa vào sử dụng theo quy hoạch để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối không quá hạn mức giao đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này và không tính vào hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân quy định tại các khoản 1,2 và 3 Điều này…”.

Quy định này nhằm mục đích khai thác hết đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước chưa sử dụng và phát huy cao nhất nguồn nhân lực trong nhân dân để tăng thêm của cải vật chất cho xã hội, tạo việc làm, nâng cao mức sống cho người dân và góp phần làm trong sạch môi trường sống cho cộng đồng dân cư. Chắc chắn rằng được sự đồng tình cao của nhân dân.

Theo quy định trên thì hộ gia đình, cá nhân ở trung du, miền núi có thể được Nhà nước giao 60ha đất bao gồm: 30ha đất theo quy định tại Điều 124 và 30ha đất theo quy định tại khoản 5 Điều 124 của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Cũng về hạn mức giao đất, tại khoản 8 Điều 124 của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có quy định về hộ gia đình, cá nhân được nhận chuyển, thuê, thuê lại, nhận thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất từ người khác, nhận khoán, được Nhà nước cho thuê đất thì các trường hợp này không tính vào hạn mức giao đất nông nghiệp quy định tại Điều 124. Đây cũng là một quy định mới so với quy định trong Luật Đất đai hiện hành.


Ảnh minh họa

Tuy nhiên, các trường hợp nhận chuyển quyền sử dụng đất quy định tại khoản 8 Điều 124 lại có sự hạn chế nhất định. Vấn đề này tại khoản 1 Điều 125 của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có quy định: “Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không được quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đối với mỗi loại đất quy định tại các khoản 1,2 và 3 Điều 124 của Luật này”. Theo quy định này thì việc nhận chuyển quyền sử dụng đối với hộ gia đình, cá nhân ở các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Đông Nam bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là đến 30ha. Còn đối với tỉnh, thành phố khác là đến 20ha. Đối với đất trồng cây lâu năm ở các tỉnh đồng bằng là đến 100ha. Đối với các tỉnh trung du miền núi là đến 300ha.

Quy định tại khoản 1 Điều 125 của dự thảo cũng đang có ý kiến lo ngại là sẽ có nhiều “ông chủ đất” thời hiện đại được pháp luật cho phép và cảnh “chủ”, “đầy tớ”, “tá điền” với “chủ đất” lại tái xuất hiện. Cụ thể là một gia đình ở đồng bằng được pháp luật cho phép nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng cây lâu năm là 100ha cộng thêm với đất được Nhà nước giao 10ha. Tổng cộng là 110ha. Với thời hạn giao đất quy định tại Điều 121 của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là 150, bao gồm 50 năm lần đầu giao đất + 50 năm tiếp tục giao đất + 50 năm gia hạn sử dụng đất. Số lượng người trong gia đình có 6 người, bao gồm: ông bà, vợ chồng và hai con. Số lượng người này không trực tiếp canh tác được với 110ha đất nên phải thuê người làm hoặc cho thuê lại là điều tất yếu xảy ra. Cảnh “bóc lột” và bị “bóc lột” cùng chung sống như sống chung với lũ mà Nhà nước không can thiệp được.

Không nên cho người nước ngoài thuê đất có mặt nước ven biển

Tại đoạn 2 trong khoản 1 Điều 135 có quy định như sau: “Đất có mặt nước ven biển được Nhà nước cho thuê đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam…” Nhìn từ góc độ quốc phòng, an ninh thì việc Nhà nước cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài thuê đất có mặt nước ven biển lại đang là vấn đề có nhiều ý kiến lo lắng của người dân. Ví dụ, Nhà nước cho một tổ chức hoặc cá nhân người nước ngoài thuê đất có mặt nước ven biển ở miền Trung với chiều dài mặt nước ven biển là 10km với danh nghĩa là đầu tư sản xuất phi nông nghiệp. Theo Luật Đất đai thì người thuê đất được quyền quản lý, trông giữ phần đất có mặt nước ven biển không cho người khác xâm phạm mà chỉ có người được thuê và người thuộc quyền quản lý của họ được quyền đi lại trên mặt nước biển mà họ đã thuê. Có căn cứ nào bảo đảm chắc chắn 100% người thuê đất là người nước ngoài đề cao trách nhiệm bảo đảm an toàn về an ninh, quốc phòng cho Việt Nam hay là vì lợi ích của họ, vì lợi ích của một nhóm người đồng minh với họ thì họ có thể làm tất cả.

Nước ta cũng đã có một thực tế là cho tổ chức người nước ngoài đầu tư dự án phi nông nghiệp ở đất liền mà Nhà nước ta chật vật, khó khăn trong việc bảo đảm an ninh, quốc phòng ở nơi người nước ngoài đầu tư dự án. Việc cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài thuê đất có mặt nước biển trong hoàn cảnh nước ta không có đầy đủ phương tiện kỹ thuật hiện đại để kiểm soát mọi hoạt động trên vùng biển thuộc lãnh thổ của nước ta và trong tình hình có nhiều người không muốn cho nước ta yên ổn làm ăn mà đặt vấn đề cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê đất có mặt nước ven biển là không thích hợp với đất nước ta hiện  nay cũng như tương lai.

Do đó, chúng tôi cho rằng nên sửa đổi Điều 121, bãi bỏ quy định “gia hạn sử dụng đất” trong đoạn 3 khoản 1 Điều 121. Vì với thời hạn giao đất lần đầu 50 năm và thời hạn tiếp tục giao đất là 50 năm. Tổng cộng hai thời hạn này là 100 năm là đủ để chuyển giao cho thế hệ người nối tiếp.
Sửa đổi Điều 125 là giảm số lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, không quá 3 lần, hoặc không quá 2 lần.

Với Điều 135 nên bãi bỏ quy định cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê đất có mặt nước ven biển.

DiaOcOnline.vn - Theo Công lý