Top

Gói kích cầu sẽ tập trung hỗ trợ lãi suất

Cập nhật 04/02/2009 01:43

Suy giảm kinh tế chưa có dấu hiệu dừng lại và những khó khăn như đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất khẩu giảm… đang hiển hiện ngày càng rõ. Trao đổi với Tuổi Trẻ về những giải pháp cấp bách cũng như lâu dài để nền kinh tế VN đi lên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Võ Hồng Phúc khẳng định không thể thiếu cải cách từ phía Nhà nước.

Khó tăng trưởng 6,5%

* Thưa ông, gói kích cầu bắt đầu được thực hiện. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là bộ nào sẽ là chủ công, chính sách nào là chính?

- Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Chính phủ đã quyết định gói kích cầu sẽ chủ yếu tập trung hỗ trợ 4% lãi suất cho doanh nghiệp. Vì vậy, việc điều hành bây giờ tập trung chủ yếu vào Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại. Vấn đề của nền kinh tế VN hiện nay không còn là đầu tư hay không đầu tư nữa, mà quan trọng hơn là làm sao các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp xuất khẩu duy trì được sự tồn tại, tiếp tục sản xuất, từ đó tạo công ăn việc làm. Vì vậy, vốn kích cầu của Chính phủ sẽ tập trung hỗ trợ lãi suất để giảm chi phí và sức ép đối với sản xuất kinh doanh.

* Như vậy, một số dự định như đầu tư vào nhà ở cho sinh viên, người có thu nhập thấp… sẽ không được thực hiện nữa?

- Đúng vậy. Một số phương án đầu tư nhằm kích cầu sẽ không được thực hiện nữa vì những dự án này đòi hỏi thời gian chuẩn bị lâu, không đi ngay vào cuộc sống, làm gói kích cầu không phát huy hiệu quả nhanh được. Gói kích cầu của Chính phủ sẽ chỉ tập trung hỗ trợ lãi suất vì điều này có thể tác động nhanh và đúng ngay điều các doanh nghiệp đang cần.

* Thưa ông, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào VN trong tháng 1 vừa qua đạt rất thấp. Trong khi đó, nhiều dự án lớn tại các tỉnh thành như TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu lại không triển khai được. VN sẽ phải làm gì để tránh nguy cơ FDI sụt mạnh hơn?

- Ở đây có hai vấn đề. Thứ nhất là có khó khăn của bản thân các nhà đầu tư. Do khủng hoảng tài chính, họ phải tập trung vốn giải quyết khó khăn ở công ty mẹ. Thứ hai, một số dự án chậm là do vướng thủ tục và giải phóng mặt bằng. Vì vậy, theo tôi, việc quan trọng nhất của VN hiện nay là tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư giải ngân số vốn họ đã cam kết chứ không phải thu hút được lượng FDI lớn.

Trong năm 2008, FDI cam kết vào VN lên tới trên 60 tỉ USD. Làm sao để số tiền cam kết đó được đưa vào sản xuất kinh doanh tại VN càng nhiều, những tác động tích cực sẽ càng lớn. Tạo điều kiện tốt cho giải ngân cũng sẽ góp phần tăng tính hấp dẫn FDI của VN. Tạo điều kiện tốt ở đây có những việc rất cụ thể, đó là giải phóng mặt bằng, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là thủ tục triển khai các dự án... Năm 2009, những vấn đề trên sẽ được tập trung tháo gỡ mạnh.

* Theo ông, tốc độ tăng trưởng 6,5% năm 2009 có khả năng đạt được hay không khi xuất khẩu và FDI đều đang có nguy cơ giảm?

- Đây là vấn đề lớn. Ngay Chính phủ khi trình Quốc hội cũng đã thấy vấn đề. Nhưng để duy trì đời sống, công ăn việc làm cho người dân thì phải đảm bảo tăng trưởng khoảng 6,5%. Nghĩa là có thể thấp hơn hoặc cao hơn. Nhưng theo tôi, trong tình hình hiện nay chúng ta cần chuẩn bị khả năng tăng trưởng 2009 sẽ dưới 6,5%.

Nên cải cách, công khai minh bạch

* Để tăng trưởng khoảng 6,5%, ngoài kích cầu tập trung vào lãi suất, Chính phủ sẽ có thêm những biện pháp gì để giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn?

- Ngoài hỗ trợ lãi suất sẽ có nhiều giải pháp khác. Chính phủ sẽ thúc đẩy việc thu hút và giải ngân các nguồn vốn, trong đó có cả vốn FDI, vốn ODA, vốn đầu tư trong nước, vốn ngân sách. Việc giải ngân nhanh các nguồn vốn sẽ giúp tiêu thụ nhanh các mặt hàng như sắt thép, vật liệu xây dựng… Đặc biệt sẽ khuyến khích vốn tư nhân tham gia đầu tư, hướng vào các nhu cầu nội địa.

* Có một tiềm năng đã được nói đến rất nhiều để VN có thể nhanh chóng vượt lên những khó khăn, đó là tiềm năng cải cách. Theo ông, năm 2009 có nên là năm cải cách?

- Năm 2009 trong điều kiện như hiện nay thì nên là năm cải cách. Cải cách đầu tiên nên nhìn tới là cải cách thể chế. Ví dụ thể chế tài chính ngân hàng, theo tôi, cần được xem lại đã phù hợp chưa. Hoạt động, mô hình, số lượng các ngân hàng, công ty tài chính, công ty chứng khoán… cần được tính toán xem bao nhiêu là phù hợp. Một vấn đề nữa đã được nói đến nhiều nhưng vẫn phải tiếp tục làm là cải cách hành chính. Thủ tục hành chính ở VN vẫn có thể đơn giản hơn.

* Còn vấn đề con người thì sao, thưa bộ trưởng?

- Công chức là sợi dây nối để thực thi luật pháp. Vì vậy, cải cách luôn phải xem đến vấn đề con người. Trách nhiệm của công chức luôn phải được giám sát và đề cao. Trách nhiệm đó không thể chỉ là xong việc rồi thôi. Trong tư duy và cơ chế thực thi, các cơ quan không được nghĩ mình đứng trên dân mà quyền lợi của người dân phải được đặt lên trên hết. Để đạt được điều này cần tăng cơ chế giám sát, công khai minh bạch và cả cơ chế để công chức phải biết nghe dân.

* Nhiều ý kiến cho rằng năm 2008 là năm các chính sách thay đổi nhanh nhất. Theo ông, năm 2008 là năm thành công hay chưa thành công về điều hành?

- Theo tôi, năm 2008 là năm thành công về điều hành. Trong điều kiện khủng hoảng như thế, chúng ta vẫn duy trì tốc độ, giữ được tiềm năng tăng trưởng và đảm bảo được an sinh xã hội như thế không phải đơn giản. Chưa bao giờ Chính phủ nghe và đưa ra các giải pháp cụ thể cho tình hình kinh tế - xã hội hằng tháng. Chính sự thay đổi nhanh cho thấy Chính phủ đã phản ứng nhanh hơn trước những biến động từ thực tiễn. Chúng tôi đã nghe rất nhiều, cả trong và ngoài nước để đề xuất các chính sách phù hợp. Qua đó cho thấy kinh nghiệm là nên nghe nhiều phía, cả người dân, doanh nghiệp và chuyên gia. Nếu không bám sát thực tế không thể điều hành được.

"Trong tư duy và cơ chế thực thi, các cơ quan không được nghĩ mình đứng trên dân mà quyền lợi của người dân phải được đặt lên trên hết. Để đạt được điều này, cần tăng cơ chế giám sát, công khai minh bạch và cả cơ chế để công chức phải biết nghe dân."


Ông Nguyễn Văn Bình (phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN):

Gói kích cầu 17.000 tỉ đồng sẽ ưu tiên doanh nghiệp xuất khẩu

Chính phủ đã thông qua gói kích cầu 17.000 tỉ đồng. Danh nghĩa là Bộ Tài chính chi tiền, nhưng thực hiện là việc của ngân hàng. Chúng tôi đã tính toán gói tiền 1 tỉ USD trên nếu đem hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp thì chỉ hỗ trợ 2% thôi đã thiếu.

Nên với yêu cầu hỗ trợ 4% lãi suất, gói kích cầu sẽ tập trung ưu tiên bù lãi suất cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Trước mắt, sẽ có ba tiêu chí để các công ty xuất khẩu có thể được hỗ trợ: thứ nhất là có lượng công nhân lớn, thứ hai là đang sử dụng tối đa nguồn lực, nguyên liệu trong nước, thứ ba là phải đem lại hiệu quả nhanh.


DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ