Việc triển khai gói tín dụng ưu đãi bất động sản 30.000 tỷ đồng hiện đang được coi là chậm và quá phức tạp, đặc biệt với phía người vay mua nhà.
Theo Phó giám đốc NHNN TP. HCM Nguyễn Hoàng Minh, lý do chính là, người vay vốn, ngoài việc phải thỏa mãn các điều kiện về hoàn cảnh, phải chứng minh được khả năng trả nợ.
Đến nay, việc giải ngân gói tín dụng hỗ trợ mua, thuê mua nhà 30.000 tỷ đồng đã được các ngân hàng triển khai tới đâu, thưa ông?
Theo quy định tại
Thông tư 11/2013/TT-NHNN (Thông tư 11), các ngân hàng thương mại (NHTM) được chỉ định cho vay hỗ trợ nhà ở gồm Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank và MHB. Việc giải ngân cho vay đối với các cá nhân và doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành và quy trình tín dụng của từng NHTM. Hiện các NHTM kể trên đã có văn bản hướng dẫn cụ thể về hình thức, thủ tục, quy định, điều kiện, thẩm định hồ sơ cho vay hỗ trợ nhà ở đối với khách hàng. Người có nhu cầu vay vốn mua nhà ở theo gói tín dụng này có thể liên hệ trực tiếp với các NHTM để được hướng dẫn chi tiết về các điều kiện, thủ tục vay vốn. Việc triển khai cho vay hỗ trợ nhà ở theo gói 30.000 tỷ đồng có sự chỉ đạo từ nhiều cơ quan ban ngành. Những vướng mắc trong cơ chế cho vay của ngân hàng đã được báo cáo lên NHNN để có chỉ đạo kịp thời nhằm giải quyết các khó khăn, giúp khách hàng tiếp cận nguồn vốn thuận lợi. Các vấn đề vướng mắc khác liên quan đến trách nhiệm hướng dẫn của Bộ Xây dựng mà các NHTM đã kiến nghị, NHNN chi nhánh TP. HCM cũng đã tổng hợp và đề xuất các chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể hơn của Bộ Xây dựng.
Có thông tin rằng, một số ngân hàng đã công bố tỷ trọng phân bổ nguồn tín dụng ưu đãi là 60% cho doanh nghiệp và 40% cho người tiêu dùng trong 3 năm đầu tiên. Thực hư chuyện này ra sao?
Khoản 4, Điều 2,
Thông tư 11 quy định: “Tổng mức cho vay của các ngân hàng đối với doanh nghiệp chiếm tối đa 30% nguồn tái cấp vốn hỗ trợ nhà ở theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư này. Như vậy, nguồn tái cấp vốn 30.000 tỷ đồng của NHNN cho các NHTM đối với dư nợ cho vay doanh nghiệp tối đa là 30% và người tiêu dùng là 70%. NHNN phối hợp với Bộ Xây dựng và các NHTM đã có giải pháp kiểm soát tổng thể, đảm bảo cho vay đối với các doanh nghiệp tối đa bằng 30% tổng nguồn vốn cho vay trong gói 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong từng thời điểm, tỷ lệ này có thể thay đổi, miễn sao về tổng thể, chỉ 9.000 tỷ đồng được dành cho doanh nghiệp. Bên cạnh phần tái cấp vốn của NHNN thì một số NHTM đã tự cân đối thêm nguồn vốn của ngân hàng và cam kết lãi suất cho vay hỗ trợ mua nhà ở xã hội là 6%/năm. Vì thế, tỷ lệ 60% cho doanh nghiệp và 40% cho người tiêu dùng trong phần nguồn vốn mà các NHTM triển khai là chiến lược kinh doanh của từng ngân hàng, không mâu thuẫn với
Thông tư 11 hay Thông tư 07.
Thời hạn cho cá nhân vay vốn là 10 năm làm cho người thu nhập thấp hàng tháng phải trả khoản tiền vay gốc và lãi cao hơn mức thu nhập của họ. Có nên tăng thời hạn này lên 15 hay 20 năm hay không, thưa ông?
10 năm là thời hạn tối đa áp dụng mức lãi suất ưu đãi 6%/năm cho các khoản vay mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại. Các NHTM, khi nhận hồ sơ vay mua nhà ở của khách hàng, sẽ căn cứ vào thu nhập thực tế, nhu cầu vay thực tế, thời hạn vay thực tế và khả năng trả nợ của khách hàng để ra quyết định giải ngân phù hợp. Nếu khách hàng có nhu cầu vay dài hơn 10 năm thì từ năm thứ 11 trở đi sẽ áp dụng mức lãi suất thỏa thuận giữa các NHTM và khách hàng vay vốn.
Người thu nhập thấp phải có tài sản bảo đảm, đây có phải là rào cản với họ khi muốn tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi?
Điều 6,
Thông tư 11 quy định: “Ngân hàng xem xét và quyết định việc cho vay có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định của pháp luật”. Như vậy, NHNN giao quyền cho NHTM quyết định có thế chấp hay không, tùy thuộc vào tình hình tài chính và năng lực trả nợ của khách hàng vay. Theo quy định hiện hành về tài sản thế chấp, các NHTM được phép cho vay đảm bảo bằng tài sản hình thành từ vốn vay. Căn nhà mua là một dạng tài sản sẽ hình thành từ vốn vay, khi đó, có thể thỏa thuận hợp đồng thế chấp ba bên gồm ngân hàng - khách hàng - chủ đầu tư dự án. Văn bản triển khai hướng dẫn của NHTM đều có quy định cụ thể về vấn đề này.
Có ý kiến cho rằng, người có thu nhập thấp rất khó tiếp cận gói 30.000 tỷ đồng. Còn phía ngân hàng lại lý giải có quá nhiều vướng mắc. Ông nghĩ sao về điều này?
Hiện chúng tôi cũng đang tập hợp những khó khăn, vướng mắc mà các ngân hàng phản ánh về. Theo chúng tôi được biết, phía ngân hàng triển khai chương trình này không có gì khó khăn, nhưng người muốn vay phải có xác nhận của địa phương, mất rất nhiều thời gian. Chúng tôi đã đề nghị UBND TP. HCM cũng như UBND các quận, huyện, phường, xã xác nhận cho người dân khi họ có nhu cầu vay vốn từ chương trình này. Mặt khác, để được vay vốn, cần có hợp đồng mua nhà hoặc hợp đồng thuê, mua nhà, và việc này phải thông qua một hội đồng địa phương xét duyệt. Do đó, chúng tôi cũng đang đẩy nhanh tiến độ các thủ tục này. Trước mắt, nguồn vốn sẽ được dành ưu tiên cho các cán bộ công chức, thuộc gia đình chính sách, cán bộ vũ trang, cán bộ y tế, giáo dục để có một nơi an cư, yên tâm công tác.
Ông đánh giá thể nào về tốc độ triển khai gói ưu đãi lãi suất này trong thời gian tới?
Thực tế, gói 30.000 tỷ đồng này chỉ được giải ngân thông qua 5 NHTM và chủ yếu thực hiện ở các thành phố lớn như TP. HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Ở những tỉnh, thành khác, theo chúng tôi, nhu cầu về nhà ở xã hội là không cao. Do đó, đối với khu vực TP. HCM, chúng tôi đã tích cực triển khai quyết liệt, đảm bảo nguồn vốn này sử dụng đúng mục đích, yêu cầu và tiến độ.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán